Tin HOSE
Sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc, ngành chế biến, chế tạo dẫn dắt tăng trưởng
Theo báo cáo được Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/3, sản xuất công nghiệp trong quý 1/2024 tiếp tục khởi sắc với giá trị tăng thêm toàn ngành ước tính tăng 6,18% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,98%, đóng góp 1,73 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,97%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,99%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 5,84%, làm giảm 0,20 điểm phần trăm. Báo cáo cũng ghi nhận, chỉ số sản xuất quý 1/2024 của một số ngành công nghiệp cấp II tăng so với cùng kỳ năm trước, gồm: sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 28,4%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 25,8%; sản xuất thiết bị điện tăng 24,8%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 21,7%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 18,1%; sản xuất kim loại tăng 16,6%; dệt tăng 14,6%; sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 4,5%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 0,4%. Ngược lại, một số ngành có chỉ số sản xuất giảm là sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị giảm 21,2%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 8,6%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 6,2%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 4,7%; sản xuất đồ uống giảm 2,7%. Tốc độ tăng/giảm chỉ số IIP quý 1 so với cùng kỳ năm trước các năm 2020-2024 của một số ngành công nghiệp trọng điểm. Nguồn: Tổng cục Thống kê. Về tình hình sản xuất công nghiệp quý 1/2024 so với cùng kỳ năm 2023 của các địa phương, báo cáo ghi nhận tăng ở 54 địa phương và giảm ở 9 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng là Quảng Ninh tăng 39,9%; Phú Thọ tăng 27,7%; Bắc Giang tăng 24%; Thanh Hóa tăng 18,6%; Hà Nam tăng 17,9%; Ninh Thuận tăng 17,4%; Tây Ninh tăng 14,4%; Hải Dương tăng 12,8%. Các địa phương có chỉ số sản xuất của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao: Khánh Hòa tăng 476,5%; Trà Vinh tăng 164,0%; Thanh Hóa tăng 41,3%; Hải Dương tăng 17,3%; Bắc Giang tăng 15,7%; Ninh Thuận tăng 13,5%. Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm, gồm: Quảng Nam tăng 0,5%; Quảng Ngãi tăng 0,2%; Cà Mau giảm 9,5%; Bắc Ninh giảm 8,8%. Các địa phương có chỉ số sản xuất của ngành sản xuất và phân phối điện giảm là Sơn La giảm 50,6%; Hòa Bình và Quảng Nam cùng giảm 28,7%; Quảng Ngãi giảm 25,1%; Lai Châu giảm 23,9%; Cao Bằng giảm 14,5%. Địa phương có chỉ số sản xuất của ngành khai khoáng quý I/2024 giảm so với cùng kỳ năm trước là Hà Giang giảm 79,4%; Quảng Nam giảm 21,2%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 10,6%. Tốc độ tăng/giảm IIP quý 1 năm 2024 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương (%). Nguồn: Tổng cục Thống kê. Trong quý 1/2024, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng so với cùng kỳ năm trước, gồm: thép thanh, thép góc tăng 29,1%; thép cán tăng 24,1%; phân hỗn hợp NPK tăng 23,1%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 21,8%; xăng dầu tăng 21,7%; phân Urê tăng 16,9%; đường kính tăng 14%; sơn hóa học tăng 13,9%; điện sản xuất tăng 11,4%. Ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước là khí đốt thiên nhiên dạng khí và điện thoại di động cùng giảm 13,3%; ô tô giảm 11,3%; ti vi giảm 11,1%; khí hóa lỏng LPG giảm 11,0%; linh kiện điện thoại giảm 5,3%; xe máy giảm 5,2%. Về chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2024 tăng 12,7% so với tháng trước và tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2024, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,9%). Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3/2024 tăng 9,8% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 14,1% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 19,8%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân quý I/2024 là 68,7% (bình quân quý I/2023 là 81,1%). Về tình lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/3/2024 tăng 1,3% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 1,1% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 0,1% và giảm 0,5%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 1,1% và giảm 0,6%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 1,5% và tăng 1,7%. Theo ngành hoạt động, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng tăng 0,2% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 0,7% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 1,4% và tăng 1,1%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tương đương cùng thời điểm tháng trước và tăng 0,8% so với cùng thời điểm năm trước; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,1% và tăng 1,2%.
29/03/2024
Xem thêm
Vì đâu cả 3 tháng Tp.HCM chỉ duy nhất 1 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư?
Nhiều người đặt câu hỏi, vì đâu nguồn cung nhà ở Tp.HCM liên tục sụt giảm, chưa có dấu hiệu cải thiện suốt nhiều năm qua. Mới đây, phản hồi thông tin Tp.HCM không có dự án bất động sản mới mở bán, ông Vũ Anh Dũng, Phó Trưởng Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng Tp.HCM cho biết, trong 2 tháng đầu năm, Sở này nhận được 2 hồ sơ đề nghị thông báo đủ điều kiện huy động vốn, tuy nhiên qua xem xét thì cả 2 dự án đều chưa đủ điều kiện Số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM cho thấy, năm 2022 có 2 dự án nhà ở mới được chấp thuận chủ trương đầu tư, năm 2023 có 2 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong quý 1/2024 chỉ có 1 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư. Chia sẻ về điều này, ông Dũng cho biết, yếu tố pháp lý dự án ảnh hưởng lớn đến nguồn cung.Ngoài ra, nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư còn vướng các thủ tục về nghĩa vụ tài chính, đất đai, quy hoạch, thậm chí có dự án phải rà soát lại pháp lý dự án, nguồn gốc đất… Do đó, khi Sở Xây dựng xem xét đủ điều kiện huy động vốn thì các dự án nhà ở thuộc các trường hợp này sẽ không đáp ứng. Theo ông Dũng, việc xác định cụ thể dự án đang vướng mắc, đã được tháo gỡ vướng mắc tại từng thời điểm là rất khó xác định, do các dự án nhà ở sẽ trải qua nhiều bước thủ tục đầu tư khác nhau theo các quy định pháp luật khác nhau có liên quan. Cũng từng nhấn mạnh về vấn đề này, TS Sử Ngọc Khương – Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, vấn đề pháp lý là nguyên nhân lớn nhất khiến thị trường bất động sản Việt Nam mất đi sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời thiếu hụt nguồn cung nhà ở suốt nhiều năm qua. Ngoài vấn đề pháp lý thì các vấn đề liên quan đến đền bù, giải tỏa, phê duyệt quy hoạch và kỹ thuật phòng cháy chữa cháy... cần có một cái nhìn tổng quan hơn và hướng giải quyết mang tính tổng thể. Nếu cần thay đổi luật, cần trình Quốc hội thông qua và có sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ hoặc Chủ tịch UBND các tỉnh thành để quyết định trong trường hợp cần thiết. Nguồn cung nhà ở liên tục sụt giảm. "Việc thực hiện đầu tư quá lâu sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư và giá bán cao sẽ không phù hợp với đại bộ phận người dân. Tình trạng này làm giảm nguồn cung trên thị trường và đặc biệt là trong lĩnh vực nhà ở, khi nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp và nhà ở thương mại luôn được đặt ra hàng đầu đối với các thành phố lớn", TS Khương nhấn mạnh. Theo ông Sử Ngọc Khương, từ góc độ quản lý Nhà nước, chúng ta cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và tạo hành lang pháp lý để dự án có thể thực hiện nhanh chóng. Việc này sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp và tăng lợi ích cho người tiêu dùng. Cùng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng cho rằng, 70% khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản liên quan vướng mắc pháp lý. Riêng trên địa bàn TP.HCM có tới 143 dự án bất động sản “đứng hình” vì vướng pháp lý, và cũng có tới 357 dự án(chiếm 24,7%) dự án “treo", chủ yếu do vướng mắc về phương án giá bồi thường. Việc này khiến cho các chủ đầu tư không thể “bung hàng” mới trong vài năm gần đây. Tổng kết năm 2023, Bộ Xây dựng cho biết nguồn cung bất động sản năm 2023 tiếp tục hạn chế ở tất cả phân phúc, trong đó, nhà ở thương mại hoàn thành 52 dự án với gần 16.000 căn, chưa bằng một nửa năm ngoái. Loại hình nghỉ dưỡng kết hợp và văn phòng lưu trú hoàn thành 17 dự án, bằng 56% năm 2022. Điều này đã khiến giá căn hộ sơ cấp lại liên tục được đẩy tăng cao, do nguồn mở bán mới hạn chế. Theo báo cáo công bố tiêu điểm thị trường bất động sản TP.HCM quý 4/2023 của CBRE Việt Nam cũng cho thấy, lượng nguồn cung căn hộ mới tại Tp.HCM giảm mạnh 54%, với 8.700 căn và chỉ gần 30 căn nhà ở thấp tầng mở bán mới, giảm tới 98% so với năm 2022. Nguồn cung giảm đến từ việc các chủ đầu tư trì hoãn giới thiệu dự án giữa thời điểm thị trường suy yếu; và một phần do sự chậm trễ về thủ tục pháp lý hoặc tiến độ xây dựng đối với các dự án đã được tiền mở bán, chưa thỏa điều kiện ký hợp đồng mua bán. "Nền kinh tế dự kiến tiếp tục nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới dòng tiền đổ vào lĩnh vực bất động sản. Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã được thông qua, nhưng phải đến năm 2025 mới hiệu lực, nên chưa thực sự tác động rõ rệt tới thị trường trong ngắn hạn. Năm 2024, nguồn cung chào bán mới dự kiến vẫn ở mức khá hạn chế và tiếp tục tập trung ở phân khúc cao cấp", đại diện CBRE nhấn mạnh.
29/03/2024
Xem thêm

LIÊN HỆ ĐA KÊNH VỚI SSI

Bạn có thể liên hệ đến SSI theo nhiều cách khác nhau

Bạn cần hỗ trợ thêm? Hãy để SSI đồng hành cùng bạn!

Tôi muốn

Follow SSI

top
1900545471