Bà Nguyễn Thị Thùy Linh (SSI): Kỳ vọng khác nhau về viễn cảnh kinh tế khiến thị trường biến động khó đoán

(Nguồn: Vietstock.vn) “Nửa cuối năm 2020, thị trường sẽ giằng co giữa tâm lý thận trọng về ảnh hưởng của dịch

Trở lại
Bà Nguyễn Thị Thùy Linh (SSI): Kỳ vọng khác nhau về viễn cảnh kinh tế khiến thị trường biến động khó đoán

03/07/2020

(Nguồn: Vietstock.vn) “Nửa cuối năm 2020, thị trường sẽ giằng co giữa tâm lý thận trọng về ảnh hưởng của dịch bệnh và tác động của dòng tiền. Các nhà đầu tư với những kỳ vọng khác nhau về viễn cảnh hồi phục kinh tế sẽ khiến cho thị trường biến động khó đoán trước.”

Thị trường biến động khó đoán trước trong 6 tháng cuối năm
 
Bà Nguyễn Thị Thùy Linh – Trưởng phòng cổ phiếu - Trung tâm phân tích và Tư vấn đầu tư - CTCP Chứng khoán SSI
 
Bà Nguyễn Thị Thùy Linh – Trưởng phòng cổ phiếu - Trung tâm phân tích và Tư vấn đầu tư - CTCP Chứng khoán SSI đánh giá diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam trong 6 tháng cuối năm phụ thuộc rất nhiều vào tình hình thế giới và triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2021.

Trên thế giới, dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn tại nhiều quốc gia. Bên cạnh đó, mối lo ngại chung về sự bùng phát lần 2 của dịch bệnh này trên phạm vi toàn cầu vẫn còn. Theo bà Linh, đây là điều đồng nghĩa với việc triển vọng kinh tế thế giới 2021 vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn; cho nên chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam.

Tại Việt Nam hiện nay, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chủ trương tiếp tục siết chặt các tuyến biên giới, quản lý người nhập cảnh, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Điều này đồng nghĩa cánh cửa đưa khách quốc tế tới Việt Nam vẫn sẽ khó mở ra trước tháng 9. Bên cạnh đó, các nước khác cũng chưa sẵn sàng mở cửa biên giới đón các chuyến bay từ Việt Nam. Như vậy, ngành du lịch và các ngành phụ trợ sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực trong thời gian tới.

Về mặt vĩ mô, ngân hàng trung ương và chính phủ các nước đều đang áp dụng các gói kích thích tài khóa và duy trì lãi suất thấp để thúc đẩy kinh tế. Tại Việt Nam, ngoài yếu tố lãi suất được giảm thấp, khu vực kinh tế trong nước vẫn đang chờ đợi tác động từ hoạt động đầu tư công và dòng vốn đầu tư nước ngoài, cả trực tiếp và gián tiếp, được cải thiện.

Dựa vào các yếu tố trên, bà Linh nhận định thị trường sẽ giằng co giữa tâm lý thận trọng về ảnh hưởng của dịch bệnh và tác động của dòng tiền. Các nhà đầu tư với những kỳ vọng khác nhau về viễn cảnh hồi phục kinh tế sẽ khiến cho thị trường biến động khó đoán trước.

Bà Linh chỉ ra, theo thống kê hàng năm, chỉ số VN-Index thường tăng tốt vào các tháng đầu năm, suy yếu vào các tháng giữa năm và hồi phục trở lại vào các tháng cuối năm. Năm nay, thị trường có diễn biến hơi khác một chút do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Theo bà Linh, hiện tại thị trường đang giao dịch ở mức P/E 2020 khoảng 15 lần. Vào thời điểm cuối năm, trong trường hợp dịch bệnh không quay trở lại thì nhà đầu tư sẽ nhìn sang triển vọng tăng trưởng của 2021 dự kiến sẽ tích cực trên nền thấp của 2020.

Thị trường tích cực nhờ cổ phiếu vốn hóa lớn

Trong 2 tháng đầu năm, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn diễn biến tốt hơn thị trường. Trong tháng 3 nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn lại giảm mạnh hơn thị trường do lực bán ròng mạnh của khối ngoại, vốn nắm giữ nhiều cổ phiếu bluechip, và cũng hồi phục yếu hơn nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ trong tháng 4 và tháng 5, khi dòng tiền tham gia mua bắt đáy chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân trong nước. Đợt điều chỉnh hiện tại (từ giữa tháng 6) được dẫn dắt chủ yếu bởi các mã vốn hoá vừa và nhỏ; trong khi các cổ phiếu vốn hoá lớn không giảm sâu.

Trong 6 tháng cuối năm, với dự báo dòng vốn ngoại vào Việt Nam gia tăng nhờ chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng trên thế giới, cùng với các quỹ ETF mới như Vietnam FinLead ETF và Vietnam Diamond ETF, bà Linh kỳ vọng thị trường sẽ tích cực nhờ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ vẫn sẽ được chú ý

Tính đến giữa tháng 6, so với thị trường chung VN-Index giảm 11.1% so với đầu năm, trong khi các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ chỉ giảm nhẹ. Điều này cho thấy rằng, sự hồi phục của các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ trong giai đoạn vừa qua thể hiện tâm lý quan tâm của nhà đầu tư cá nhân khi mà nhóm này đã bị lãng quên trong hầu hết giai đoạn hồi phục từ năm 2016 đến 2018.

Cũng theo bà Linh, đây là sự chuyển hoá bình thường giữa các chu kỳ thị trường và điều này sẽ còn tiếp diễn trong giai đoạn sắp tới, đặc biệt là khi trong năm 2020 có nhiều yếu tố hỗ trợ cho nhóm cổ phiếu này như: chủ trương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (các ngành hưởng lợi là dịch vụ xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, nguyên vật liệu xây dựng, v.v.); triển khai hiệp định EVFTA và xu hướng dịch chuyển chuỗi sản xuất toàn cầu (ngành hưởng lợi là BĐS khu công nghiệp), v.v.. Mặc dù vậy, NĐT cũng cần chú trọng quản lý rủi ro bởi vì đặc điểm của các cổ phiếu thường là lợi nhuận cao đi kèm với rủi ro cao.

Xét riêng tác động của Hiệp định EVFTA, bà Linh cho rằng các ngành thủy sản, dệt may, da giày, hàng điện tử, dịch vụ tài chính, bất động sản khu công nghiệp và dịch vụ hậu cần sẽ được hưởng lợi về dài hạn.
 
 
Công ty cổ phần chứng khoán SSI