Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp: Chọn tổ chức trung gian uy tín cũng là một bộ lọc rủi ro

(Nguồn: Thời báo tài chính Việt Nam) Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có một năm tăng trưởng đầy ấn tượng. Tuy

Trở lại
Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp: Chọn tổ chức trung gian uy tín cũng là một bộ lọc rủi ro

25/12/2019

(Nguồn: Thời báo tài chính Việt Nam)
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã có một năm tăng trưởng đầy ấn tượng. Tuy nhiên, đi kèm với đó là sự tiềm ẩn một số rủi ro mà cả “người bán – người trung gian – người mua” đều phải cẩn trọng. Do đó, để tránh nếm“trái đắng”, bên cạnh việc tự mình đánh giá thật kỹ “sức khỏe” của người bán, thì nhà đầu tư có thể lựa chọn trái phiếu được chào bán qua các tổ chức trung gian uy tín để hạn chế rủi ro khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên TBTCVB đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Kim Long - Giám đốc Luật và Kiểm soát tuân thủ, Công ty CP chứng khoán SSI.
 
 
PV: Thưa ông, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2019. Tuy nhiên, thị trường này cũng tiềm ẩn một số rủi ro mà nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ cần thực sự tỉnh táo khi tham gia. Ông có ý kiến thế nào về diễn biến của thị trường này?

- Ông Nguyễn Kim Long: Năm 2019, việc huy động vốn của doanh nghiệp khó khăn thì kênh trái phiếu phát triển là tất yếu. Hơn nữa, việc phát hành trái phiếu được hậu thuẫn bởi Nghị định số 163/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/02/2019. Tôi cho rằng, thị trường trái phiếu phát triển là đúng chủ trương của Nhà nước và phù hợp với “Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được phê duyệt tại Quyết định số 1191/QĐ-TTg ngày 14/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ và cũng phù hợp với Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” được phê duyệt theo Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 28/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ. 

Đối với nhà đầu tư, năm 2019 cũng là năm khó kiếm tiền từ cổ phiếu nên họ có xu hướng dành một phần vốn để đầu tư trái phiếu, trong đó có trái phiếu doanh nghiệp. Đầu tư vào chứng khoán nói chung và trái phiếu doanh nghiệp nói riêng là một kênh đầu tư, và mỗi sản phẩm đều có những rủi ro đặc trưng do bản chất của từng loại chứng khoán đó. Thực chất trái phiếu là một khoản vay nợ, nhà đầu tư sở hữu trái phiếu là chủ nợ cho tổ chức phát hành vay tiền. 

Bên cạnh các rủi ro về kinh tế do thay đổi mặt bằng lãi suất thì nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp đối diện rủi ro lớn nhất là rủi ro thanh toán khi tổ chức phát hành không có khả năng trả nợ gốc và lãi như đã cam kết. Kế đến, trái phiếu doanh nghiệp cũng có  rủi ro thanh khoản, bởi trái phiếu phát hành riêng lẻ bị giới hạn chuyển nhượng không qua 100 nhà đầu tư trong vòng 01 năm kể từ ngày phát hành, ngay cả sau thời hạn 01 năm này thì việc chuyển nhượng trái phiếu cũng có thể khó khăn do trái phiếu không được niêm yết hoặc đăng ký giao dịch, nhà đầu tư phải tự mình hoặc nhờ môi giới chứng khoán tìm một nhà đầu tư khác để bán trái phiếu khi có nhu cầu. 

Nhà đầu tư mua trái phiếu phải tự mình đánh giá khả năng trả nợ của tổ chức phát hành trái phiếu dựa trên tài liệu chào bán và các thông tin khác mà mình thu thập được.

PV: Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển an toàn hiệu quả, bên cạnh vai trò của tổ chức phát hành, nhà đầu tư tham gia thì vai trò của các tổ chức tài chính trung gian (đơn vị tư vấn, đại lý phát hành) cũng rất quan trọng. Theo ông, các tổ chức trung gian cần đảm bảo những yêu cầu gì để người mua không nếm phải “trái đắng”?

- Ông Nguyễn Kim Long: Cả tổ chức phát hành và nhà đầu tư đều là khách hàng của tổ chức tài chính trung gian và tôi nghĩ không tổ chức tài chính nào mong muốn một trong hai đối tượng này gặp rủi ro cả. Trong vai trò trung gian của mình, tổ chức tài chính có thể giúp cho nhà đầu tư hạn chế được nhiều rủi ro nếu đảm bảo được các yêu cầu như: lựa chọn tổ chức phát hành có uy tín; thẩm định tài liệu chào bán một cách cẩn trọng; đưa các thông tin về tổ chức phát hành, các điều khoản và điều kiện của trái phiếu đến nhà đầu tư một cách trung thực và đầy đủ; chào bán trái phiếu cho nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro phù hợp.

PV: Qua thực tiễn là hoạt động của SSI, đâu là những rủi ro phát sinh trong thực tiễn mà tổ chức trung gian và nhà đầu tư trái phiếu cần chú ý, thưa ông?

- Ông Nguyễn Kim Long: Có thể thấy rằng, hiện nay SSI nắm giữ thị phần môi giới cổ phiếu lớn nhất thị trường, nhưng không phải là nhà tư vấn hay môi giới trái phiếu lớn nhất thị trường. SSI dù với vai trò là tổ chức tư vấn hay chỉ là đại lý phát hành thì cũng có tiêu chí lựa chọn đối tác của riêng mình phù hợp với cách làm và khẩu vị rủi ro của SSI. Chúng tôi cố gắng hết sức để dung hòa yêu cầu về lợi nhuận cao và hạn chế rủi ro cho các bên tham gia giao dịch và qua đó bảo vệ uy tín của chính mình. 

Với tư cách là tổ chức tài chính trung gian, chúng tôi đã gặp những trường hợp tài liệu được cung cấp không đủ để đánh giá một cách tự tin về khả năng trả nợ của tổ chức phát hành và buộc phải từ chối. Với tư cách là nhà đầu tư khi thực hiện nghiệp vụ tự doanh, chúng tôi cũng gặp phải những rủi ro như các nhà đầu tư khác như đã liệt kê ở trên khi mua, bán trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.

PV: Ông có đề xuất gì để các nhà đầu tư cần lưu tâm khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp đem lại hiệu quả tốt nhất, nhưng vẫn đảm bảo an toàn lên hàng đầu?

- Ông Nguyễn Kim Long: Tôi cho rằng, “đồng tiền đi liền khúc ruột” nên nhà đầu tư nên tự mình xem xét các tài liệu chào bán trái phiếu một cách cẩn trọng để đánh giá khả năng thực hiện các cam kết của tổ chức phát hành. Tùy thuộc vào kinh nghiệm đầu tư và kỳ vọng lợi nhuận, khả năng chấp nhận rủi ro của mình, nhà đầu tư có thể lựa chọn trái phiếu của các tổ chức phát hành phù hợp. 
 
Nhà đầu tư nên tự mình xem xét các tài liệu chào bán trái phiếu một cách cẩn trọng để đánh giá khả năng thực hiện các cam kết của      tổ chức phát hành

Bên cạnh đó, nhà đầu tư có thể lựa chọn trái phiếu được chào bán qua các tổ chức trung gian uy tín cũng là một gợi ý giúp nhà đầu tư có thêm một bộ lọc nhằm hạn chế rủi ro khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Cuối cùng, nhà đầu tư nên nhớ mua trái phiếu doanh nghiệp là nhà đầu tư cho doanh nghiệp vay tiền, có thể có bảo đảm hoặc không có bảo đảm và luôn có rủi ro đi kèm. Chúng ta cũng nên cân nhắc trước đầu tư rằng, lợi nhuận cao thường đi kèm với rủi ro cao.

PV: Xin cảm ơn ông!

 
 
Công ty cổ phần chứng khoán SSI