Kinh tế trưởng SSI: "Ai cũng lười học, việc của nhà đào tạo là chỉ ra điều thú vị trong kiến thức"

(Nguồn: Dantri.com.vn) - Từng 7 lần được vinh danh "Chuyên gia phân tích hàng đầu Việt Nam", ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế

Trở lại
Kinh tế trưởng SSI: "Ai cũng lười học, việc của nhà đào tạo là chỉ ra điều thú vị trong kiến thức"

20/11/2022

(Nguồn: Dantri.com.vn) - Từng 7 lần được vinh danh "Chuyên gia phân tích hàng đầu Việt Nam", ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán SSI - không chỉ làm tròn trách nhiệm của chuyên gia tài chính mà còn truyền lửa, dẫn đầu các hoạt động đào tạo tại công ty.

Chúng tôi hẹn gặp ông Phạm Lưu Hưng vào một buổi chiều thứ tư, ngay sau khi ông vừa trở về từ trường quay của chương trình "Bí mật đồng tiền". Có biệt danh Mr.X30, ông Phạm Lưu Hưng mang đến những kiến thức thú vị, có giá trị tại talkshow "Bí mật đồng tiền"Ông Hưng chia sẻ, vốn là dân nghiên cứu, tính cách hướng nội, nhưng rồi công việc đưa đẩy, ông lại trở thành người phải nói nhiều trước đông người

Đào tạo nhà đầu tư kiểu "mưa dầm thấm lâu", góp phần hướng đến thị trường chuyên nghiệp

Phong cách của X30 trên "Bí mật đồng tiền" có khác nhiều với con người ông tại SSI?

- Thật ra là có. Từ trước đến nay ở SSI, tôi làm ở mảng khách hàng tổ chức, tiếp xúc với khách hàng nước ngoài nên luôn nói tiếng Anh, sử dụng ngôn ngữ tài chính, từ chuyên môn.

Còn ở "Bí mật đồng tiền" lại khác, khán giả xem chương trình rất đa dạng, nhiều lứa tuổi, kinh nghiệm tham gia thị trường khác nhau. Thời lượng chương trình chỉ có 60 phút mà cần truyền tải rất nhiều thông tin nên tôi và ekip cố gắng nói dễ hiểu nhất cho khán giả. Chúng tôi luôn cố gắng để đưa ra thông điệp dựa trên các câu chuyện thực tế, rút ra từ trải nghiệm thực tế của khách mời để khán giả dễ hiểu hơn về đầu tư. Nói ví von thì "nếu thị trường là khu rừng thì nhà đầu tư (NĐT) tổ chức được ví như hổ, báo, biết hết đường đi rồi. Trong khi các NĐT cá nhân là những người đã yếu lại không biết đường đi". Vì thế quan điểm chung là cần một diễn đàn để mọi người có thể gặp gỡ cùng trao đổi thêm về thị trường và talkshow này ra đời với sứ mệnh cân đối giữa giải trí và thông tin chuyên môn, giải quyết được nhiều vấn đề cho NĐT, hướng dẫn tiếp cận tài chính một cách ít khô khan hơn.

Nhưng trong một tổng thể thị trường lớn, đào tạo NĐT thông qua chỉ một chương trình như vậy có giống "muối bỏ bể" không, thưa ông?

- Tham gia vào câu chuyện đào tạo trên cần sự chung tay của rất nhiều thành viên thị trường. Bên cạnh cơ quan quản lý cũng cần sự góp sức của các doanh nghiệp. SSI cũng đang cố gắng đóng góp công sức vào quá trình này. Không chỉ với "Bí mật đồng tiền", SSI còn có nhiều chương trình khác nữa. Ví dụ như hiện Fanpage Chứng khoán SSI vẫn lên sóng livestream chương trình Café Chứng đều đặn mỗi sáng trước mỗi phiên giao dịch. Chương trình này một phần là khuyến nghị nhưng tập trung hơn vào giải đáp các thắc mắc, cũng là một hình thức đào tạo NĐT.

Còn việc kết hợp với đơn vị thông tin đại chúng được hướng đến để tận dụng tiếp cận được nhiều NĐT hơn. SSI coi đây như một trách nhiệm xã hội, mục tiêu duy nhất là đào tạo nên không lên sóng để quảng cáo công ty tốt hay kêu gọi mọi người mua cổ phiếu công ty gì cả.

Thị trường rộng lớn nhưng mỗi người đóng góp "một tay, một chân", tôi nghĩ sẽ khác ngay. "Mưa dầm thấm lâu", chúng tôi tin vào những đóng góp của mình trong việc hướng tới một thị trường chuyên nghiệp.

Ở SSI, ngoài vai trò là Kinh tế trưởng, ông cũng là người đi đầu trong công tác đào tạo tại SSI. Vậy thì Mr.X30 trên "Bí mật đồng tiền" có khác ông Phạm Lưu Hưng khi tham gia đào tạo tại công ty?

- Có chứ. Khi đào tạo nội bộ tôi không hiền như ông X30 đâu (cười). Thật ra thì vì ở "Bí mật đồng tiền" tôi chủ yếu trình bày các vấn đề một cách nhẹ nhàng, đơn giản. Còn khi trao đổi nội bộ công ty, đào tạo cho những chuyên gia chứng khoán khác thì tất nhiên cách chia sẻ sẽ quyết liệt và nhiều thông tin chuyên sâu hơn.

Đối với đào tạo nội bộ, ở SSI có nhiều chương trình đào tạo ở các cấp độ, mảng khác nhau, các khóa học E-learning, cũng những khóa đào tạo hàng ngày dưới hình thức điểm tin. Muốn trao đổi với anh em trong công ty thì phải vừa chia sẻ vừa liên hệ thẳng với thực tế hoặc các cổ phiếu, các ngành, các sự kiện thị trường… trong ngày. Đấy là những việc chúng tôi làm thường xuyên, liên tục.

Trước khi làm việc trong ngành chứng khoán, tôi cũng có thời gian làm việc tại Bộ Thương mại, cũng là một công việc thiên về nghiên cứu. Tự nghiên cứu thì thường là độc lập, hơi "tự kỷ", nhưng khi phải truyền tải vấn đề cho người khác thì lại hoàn toàn khác, vì để nói cho người khác hiểu, bạn phải hiểu vấn đề gấp đôi. Là vì khi mình tự tìm hiểu, mình nghe thấy hợp lý, thấy ổn, vậy là được rồi. Còn khi nói với người khác thì mình phải tự đặt ra giả thiết các câu hỏi có thể gặp phải để tự trả lời, tự lật đi lật lại vấn đề theo nhiều góc nhìn để chuẩn bị những kịch bản chia sẻ nếu có ai hỏi hay phản bác.

Bạn biết rồi, dân tài chính đều là những người rất sắc sảo, có chính kiến. Thị trường thuận lợi là một lẽ. Khi thị trường có biến động thì cũng là câu chuyện ấy nhưng sẽ trở nên căng thẳng hơn rất nhiều. Công việc của tôi đòi hỏi phải trao đổi với nhiều các chuyên gia tài chính khác, cả trong công ty lẫn khách hàng bên ngoài, nó rèn cho tôi sự chắc chắn trong việc bảo vệ chính kiến của mình.

Tôi cũng khá là "đanh đá" đấy, khi tranh luận các vấn đề thường thì tôi ít thua (cười).

Lĩnh vực tài chính - chứng khoán với nhiều khía cạnh chuyên môn khá khô khan. Điều này có gây khó khăn khi truyền tải kiến thức?

- Tôi thấy đầu tư tài chính vui mà, không hề khô khan đâu vì thị trường không ngày nào giống ngày nào. Nhưng tất nhiên để mọi người cũng thấy vui và không thấy khô khan như mình thì cách truyền tải kiến thức rất quan trọng. Bắt mọi người nghe những thứ chán thì rất là khó. Kể cả đào tạo nội bộ cũng thế thôi.

Tôi nghĩ rằng bản chất thì ai cũng… lười học cả. Chỉ khi nào họ tìm thấy được điều thú vị trong kiến thức, đặc biệt là khi có thể áp dụng để giải quyết được những vấn đề gặp phải trong công việc và cuộc sống, thì lúc đó mới có thể ham học được. Tôi trước mặc dù học trường chuyên lớp chọn đấy nhưng cũng vẫn rất lười (cười). Nội dung phải thiết thực thì mới đánh giá được tinh thần học hỏi của mọi người. Đặc biệt tại công ty, ở đây ai cũng khá thực tế, đào tạo phải gắn liền công việc của các bạn. Các buổi đào tạo nội bộ nếu thiết thực thì mọi người tham gia rất đông.

Đào tạo ngành chứng khoán phải gắn liền với thực tiễn thị trường

Có vẻ như tinh thần học hỏi ở SSI rất cao, công tác đầu tư vào đào tạo ở doanh nghiệp cũng khá được chú trọng?

- Thị trường Việt Nam đang phát triển khá nhanh, đi từ thị trường cận biên lên mới nổi. Còn SSI đang trong quá trình phát triển, chuyển mình từ một trong những công ty đầu tiên của thị trường trở thành công ty có vốn điều lệ lớn nhất ngành chứng khoán.

Tệp khách hàng của SSI cũng rất rộng lớn, đa dạng. Bên cạnh đó, định hướng lớn của công ty là phát triển thành một định chế tài chính, tham gia nhiều mảng như quản trị tài sản hay sản phẩm tài chính phức tạp khác. Trong bối cảnh đó, việc đào tạo để chuẩn hóa con người, nhân sự là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần xây dựng thị trường lành mạnh. Đây cũng là định hướng phát triển xuyên suốt của SSI trong 22 năm vừa qua.

Vậy ông có thể chia sẻ những kế hoạch về việc đào tạo của SSI trong tương lai?

- Như tôi đã chia sẻ, với sự phát triển của thị trường tài chính như hiện nay, xu thế chung là các công ty chứng khoán cũng dần trở thành một định chế tài chính với các sản phẩm đầu tư phức tạp, đa dạng, chứ không đơn giản chỉ là cổ phiếu niêm yết. Nhà đầu tư cũng đã thay đổi nhiều, với tính chuyên nghiệp và tầm nhìn dài hạn hơn.

Các chuyên viên tư vấn chứng khoán của chứng tôi đang dần được đào tạo để trở thành tư vấn tài chính. Với kiến thức, kỹ năng được đào tạo, họ có thể tư vấn nhiều giải pháp tài chính cá nhân, đầu tư mang tính tổng thể hơn, không đơn thuần chỉ cổ phiếu. Lúc thị trường mới phát triển thường chỉ cần "cầm tay chỉ việc" hay đóng cửa bảo nhau là xong, còn bây giờ đã khác. Muốn "sống lâu" trong thị trường, các thành viên thị trường đều cần phải không ngừng nâng cấp để đáp ứng được với sự thay đổi của thị trường tài chính.

Tôi cũng có suy nghĩ là không nên đào tạo tất cả mọi người một bài giảng giống nhau, thay vào đó tạo ra các cơ hội học tập cho mọi thành viên trong công ty. Để họ chủ động học thứ họ cần chứ không "nhồi" những thứ mình cho rằng họ cần.

Song song với đó, không chỉ đào tạo nội bộ, chúng tôi cũng hướng tới đáp ứng nhu cầu về đào tạo khách hàng một cách quy mô, bài bản, cung cấp cho các nhà đầu tư những kiến thức một cách dễ hiểu, thiết thực, cụ thể.

Như tôi đã chia sẻ ở trên, đào tạo khách hàng, NĐT là cách thiết thực để tham gia đóng góp xây dựng thị trường, xây dựng hệ thống NĐT chuyên nghiệp, cung cấp các kiến thức cơ bản cho NĐT trở nên chuyên nghiệp hơn trong quá trình đầu tư. Đây sẽ là những kiến thức mang tính bền vững, được thực hiện dưới các hình thức tương tác cả online lẫn offline chứ không phải chia sẻ bí kíp, dạy làm giàu nhanh.

Cần phải nói rõ hơn là từ trước đến nay, công ty đã tập trung phát triển đào tạo cho cả nội bộ và NĐT. Tuy nhiên cùng với sự phát triển của thị trường, SSI cũng đã có những kế hoạch mới với sự tập trung và chuyên nghiệp hơn. Với mô hình này, tin rằng, chúng tôi sẽ cùng nhau làm được nhiều thứ hơn trong việc phát triển con người.

Tóm lại, mục tiêu của chúng tôi là tạo ra cơ hội học tập phát triển bản thân cho tất cả nhân viên, và phù hợp với nhu cầu, hoàn cảnh và đòi hỏi trong công việc của từng cá nhân. Mọi người đều có thể tìm thấy một lộ trình phù hợp với mong muốn định hướng phát triển nghề nghiệp của mình. Nghĩ thì to tát thế, nhưng bắt đầu sẽ bằng những việc nhỏ thôi, làm tốt dần dần những việc nhỏ, thú vị.

Công ty cổ phần chứng khoán SSI