Kinh tế trưởng SSI: TTCK Việt Nam đang thử thách sự kiên nhẫn của NĐT nước ngoài, không nên quá kỳ vọng xu hướng mua ròng kéo dài

(Nguồn: Vietnambiz.vn) Theo chuyên gia, thị trường trong nước diễn biến kém sắc trong cả quý IV/2022. Trong thời gian tới nếu

Trở lại
Kinh tế trưởng SSI: TTCK Việt Nam đang thử thách sự kiên nhẫn của NĐT nước ngoài, không nên quá kỳ vọng xu hướng mua ròng kéo dài

14/01/2023

(Nguồn: Vietnambiz.vn) Theo chuyên gia, thị trường trong nước diễn biến kém sắc trong cả quý IV/2022. Trong thời gian tới nếu không thể tăng trưởng tốt hơn, khối ngoại có còn đủ kiên nhẫn để liên tục giải ngân như thời gian gần đây?
 

Phân tích của Ngân hàng HSBC gần đây cho thấy các quỹ tương hỗ đã cắt giảm tỷ trọng cổ phiếu đầu tư vào các thị trường Indonesia, Singapore đồng thời tăng tỷ trọng ở thị trường Đài Loan, Hong Kong.

Dữ liệu tổng hợp cũng chỉ ra Việt Nam và Thái Lan là hai thị trường chứng khoán Đông Nam Á duy nhất được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trong tháng 12. Tuy nhiên, việc Trung Quốc tái mở cửa nền kinh tế đang để ngỏ rủi ro hút bớt dòng vốn ngoại vào thị trường Việt Nam.

Chia sẻ trong Chương trình "Bí mật đồng tiền" của VTV Digital, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng, Trưởng ban Đào tạo Phát triển CTCP Chứng khoán SSI cho rằng thị trường Việt Nam hiện chưa được nâng hạng lên thị trường mới nổi (emerging market), nếu so với thị trường Trung Quốc thì quy mô nhỏ hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, ông Hưng cho rằng không phải bất cứ nhà đầu tư nào có tỷ trọng đầu tư lớn vào thị trường Trung Quốc cũng dành một tỷ trọng nào đó trong danh mục cho cổ phiếu Việt Nam, vì vậy ảnh hưởng sẽ không quá nhiều.

Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng, Trưởng ban Đào tạo Phát triển CTCP Chứng khoán SSI. (Ảnh chụp màn hình)

Theo Kinh tế trưởng của Chứng khoán SSI, nhà đầu tư gần đây thường nói nhiều về câu chuyện khối ngoại mua ròng. Đây là sự thật nhưng chúng ta cũng cần nhìn nhận rằng nếu nhìn vào số liệu vốn ngoại rót ròng vào các thị trường mới nổi nói chung, nếu Việt Nam trong danh sách này thì chắc chắn sẽ vào top 3 thị trường kém nhất.

Tháng cuối năm 2022 là một tháng khá tốt đối với chứng khoán thế giới khi hầu hết các thị trường mới nổi đều tăng điểm nhưng với Việt Nam, thị trường vẫn giảm trong tháng 12.

"Tôi cho rằng chúng ta đang thử thách sự kiên nhẫn của nhà đầu tư nước ngoài, thường logic đầu tư của họ là với các thị trường giảm, nếu mua thì khả năng có lãi sẽ cao hơn so với các thị trường đã tăng mạnh trước đó.

Thị trường kém sắc trong cả quý IV/2022 nên trong thời gian tới nếu không thể tăng trưởng tốt hơn, không biết khối ngoại sẽ còn giữ được sự kiên nhẫn? Điều này cần phải được theo dõi thêm, nhà đầu tư cũng không nên quá kỳ vọng xu hướng này sẽ còn phải tiếp tục dựa trên dữ liệu mua ròng liên tục thời gian gần đây", chuyên gia nhấn mạnh.

Cùng chia sẻ về diễn biến dòng vốn ngoại, ông Nguyễn Trần Hải, một nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường cho biết vào đầu năm 2018 dòng tiền ngoại cũng rót ròng mạnh mẽ vào chứng khoán Việt Nam, có những phiên giao dịch khối ngoại mua ròng khoảng 1.000 tỷ đồng và kéo dài xu hướng mua ròng với khối lượng lớn. Cũng có một số thông tin cho rằng đó là những quỹ P-notes vào thị trường Việt Nam.

Vào thời điểm đó, sau khi lập đỉnh 1.204,33 điểm tại ngày 9/4/2018 thì thị trường Việt Nam liên tục lao dốc và hình thành xu hướng đi xuống trong phần còn lại của năm. Do vậy dòng vốn nước ngoài vào thị trường Việt Nam chỉ là một tham số để tham khảo.

Thời gian vừa qua nhà đầu tư nước ngoài liên tục giải ngân, qua đó hỗ trợ về mặt thanh khoản nhưng thực tế giai đoạn 2020 - 2021 họ bán ròng rã với khối lượng rất lớn nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đi lên. Vì vậy thị trường vẫn phải dựa vào nội lực của các nhà đầu tư trong nước là chính, do tỷ trọng giao dịch của khối ngoại trên toàn thị trường không quá lớn.

Ông Hải cho biết hiện ông vẫn tiếp tục quan sát các hành động của các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng chưa vội quyết định tham gia hay không.

Công ty cổ phần chứng khoán SSI