TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN FINTECH VIỆT NAM TRONG 5 - 10 NĂM TỚI

(Theo Vietnambiz) Ngành công nghệ tài chính (Fintech) tại Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ với nhiều động

Trở lại
TRIỂN VỌNG PHÁT TRIỂN FINTECH VIỆT NAM TRONG 5 - 10 NĂM TỚI

04/12/2024

(Theo Vietnambiz) Ngành công nghệ tài chính (Fintech) tại Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ với nhiều động lực thúc đẩy. Song, để phát triển hơn nữa, thậm chí vươn mình ra quốc tế, nhiều rào cản cần được gỡ bỏ.

Tại Hội nghị Tác động Công nghệ Việt Nam (Vietnam Tech Impact Summit 2024 – VTIS 2024) do SSI và FPT điều hành sự kiện - khai mạc sáng 3/12, đại diện từ các Fintech trong nước như DNSE, Zalopay hay tổ chức quốc tế như Binance, quỹ đầu tư mạo hiểm Hashed đã có cuộc thảo luận sôi nổi xung quanh chủ đề “Tương lai của Fintech trong 5 – 10 năm tới”. Phiên thảo luận được điều phối bởi bà Lê Thị Lệ Hằng, Giám đốc Chiến lược (CSO), CTCP Chứng khoán SSI.

Theo nội dung của chương trình hội nghị, Fintech là một trong bốn chủ đề chính, cùng với trí tuệ nhân tạo (AI), Game và Blockchain.

Xét về bối cảnh, thị trường Fintech toàn cầu đang trong giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ với giá trị đạt khoảng 310 tỷ USD vào cuối năm 2023. Theo CSO của SSI, Fintech phát triển và được hỗ trợ bởi rất nhiều ứng dụng trong các giải pháp tài chính cũng như tài sản kỹ thuật số.

“Các nhà phân tích đã ước tính trong 5 – 10 năm tới, thị trường Fintech có thể tăng trưởng 25 – 30% mỗi năm nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (machine learning), khả năng tiếp cận xuyên biên giới ngày càng tăng lên. Tại Việt Nam, Chính phủ cũng đã có chiến lược tập trung thúc đẩy nhiều hơn cho lĩnh vực công nghệ. Chúng ta thấy rằng xã hội không tiền mặt đang ngày càng trở nên phổ biến hơn. Ngành công nghệ đã tăng trưởng đáng kể, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính”, bà Lê Thị Lệ Hằng đặt vấn đề với những diễn giả trước phiên thảo luận.

Theo CSO Chứng khoán SSI, sự phát triển của Fintech tại Việt Nam trong thời gian qua được đánh giá khá nhanh với những ứng dụng như thanh toán số, ví điện tử, cho đến vay ngang hàng (P2P), công ty chứng khoán thuần công nghệ…. Tuy nhiên, nếu nhìn ra quốc tế, thị trường trong nước vẫn ở trong giai đoạn khá sơ khai với hai rào cản lớn nhất là quy định pháp lý và chi phí.

Giám đốc Chiến lược SSI – Bà Lê Thị Lệ Hằng là người điều phối phiên thảo luận thú vị này.

 
Nói về thực trạng pháp lý, Chủ tịch DNSE Nguyễn Hoàng Giang cho biết công ty đang cung cấp những sản phẩm dịch vụ tuân thủ theo Luật Chứng khoán và chỉ thực hiện các giao dịch chứng khoán tại Việt Nam.

“Ở hầu hết các quốc gia phát triển, các công ty chứng khoán có thể cung cấp các sản phẩm như blockchain, ETF và tài sản số khác. Theo quan điểm của tôi, chứng khoán là một trong những tài sản kỹ thuật số, bạn không thực sự chạm vào nó, chỉ có những con số trên máy tính, điện thoại để nói rằng tôi sở hữu cổ phần công ty”, ông Giang nói.

Về phần chi phí, các Fintech truyền thống đang “giữ chân” người dùng với cách sử dụng dễ dàng hơn, rẻ hơn khi tiếp cận các dịch vụ tài chính. Trong khi đó, một số ứng dụng như web3, blockchain cần chi phí tài trợ khá cao. Song, rào cản không thực sự lớn nếu như Việt Nam định hình là một quốc gia blockchain vào năm 2030, theo góc nhìn của bà Lynn Hoang, đại diện từ Binance.

Ngoài việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để tất cả những bên liên quan “cùng nhìn về một hướng” theo như chia sẻ của bà Lynn Hoang, một yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của Fintech tại Việt Nam là tìm kiếm những nhà sáng lập và doanh nghiệp có tầm nhìn toàn cầu. Quan điểm này được ông Ryan Kim, người đồng sáng lập tổ chức Hashed, đơn vị tập trung vào khám phá và hỗ trợ những nhà sáng lập châu Á trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, Defi, trò chơi và giải trí.

“Tôi sẽ không tập trung vào trong nước, chẳng hạn như nhà sáng lập người Việt số một là ai. Tôi muốn tìm hiểu xem ai là nhà sáng lập người Việt có thể trở thành người số một toàn cầu. Vì vậy, tôi muốn hỗ trợ những nhà sáng lập như vậy”, ông Kim nói trên góc độ của một quỹ đầu tư.

Ông dẫn chứng trường hợp của Hàn Quốc với Samsung Electronics – một công ty đóng góp tới 50% GDP . Tương tự, các quốc gia như Thụy Điển với các công ty y tế, Đức với Pfizer, cũng có những doanh nghiệp đầu tàu mang lại tác động kinh tế lớn. Fintech cũng có thể là một “đầu tàu” với Việt Nam, do đó Chính phủ hoặc một cơ quan cần phải tìm ra một nhà sáng lập hoặc một công ty.

"Việt Nam cần một chiến lược dài hạn để tìm ra nhà sáng lập sáng giá, xây dựng doanh nghiệp đột phá và từ đó thúc đẩy nền kinh tế. Một chu kỳ phát triển mới sẽ được khởi động: khi người dân giàu có hơn, họ sẽ được giáo dục tốt hơn, và giáo dục tốt sẽ tạo ra thêm nhiều nhà sáng lập giỏi," ông Ryan Kim khẳng định.

Đó là thực trạng và tiềm năng để phát triển FinTech, song, Việt Nam cần làm gì? Dưới đây là ba điểm được những diễn giả đưa ra trong tầm nhìn 5 – 10 năm tới.

Thứ nhất là cải thiện khung pháp lý. Quy định pháp lý là yếu tố quan trọng nhất để tạo nền tảng phát triển bền vững cho FinTech. Các quy định cần linh hoạt để hỗ trợ đổi mới, đồng thời tạo điều kiện cho các giao dịch và đầu tư xuyên biên giới.

"Chúng ta cần một khung pháp lý để các công ty FinTech đi ra toàn cầu. Nếu không, rất khó để phát triển và cung cấp giá trị thực.", bà Lynn Hoang, Đại diện Binance nói.

Thứ hai là ứng dụng công nghệ tiên tiến. Blockchain và AI được dự đoán sẽ là các công nghệ cốt lõi trong việc phát triển Fintech. Lấy ví dụ, đại diện từ SSI và DNSE đều thừa nhận rằng AI đang hỗ trợ nhà đầu tư tiết kiệm thời gian, tìm kiếm thông tin tốt hơn để đưa ra quyết định chính xác.

Thứ ba là hỗ tợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Song song với phát triển dịch vụ tài chính cá nhân, Fintech có thể giúp các SME thanh toán xuyên biên giới, mở rộng kinh doanh trên quy mô toàn cầu.

Trong 10 năm tới, Fintech có thể giải quyết hai điều với SME. Một là thanh toán xuyên biên giới rẻ hơn và nhanh hơn để giúp các doanh nghiệp bán hàng ra thế giới. Hai là tài trợ vốn để giúp SME phát triển, bà Lê Lan Chi, CEO của Zalopay kỳ vọng.

Để giải những bài toán trên, theo các diễn giả, Việt Nam có thể học hỏi từ các quốc gia như Hàn Quốc và Hoa Kỳ, nơi các ngân hàng và tập đoàn tài chính lớn đã tiên phong trong việc cung cấp dịch vụ tài sản số. Ông Ryan Kim giải thích, "các tổ chức tài chính lớn như JP Morgan và Fidelity đã gia nhập thị trường tài sản số, mở đường cho việc hợp thức hóa và phát triển blockchain trên toàn cầu."

Tại Hàn Quốc, liên doanh giữa các ngân hàng lớn như KB Bank và các công ty Fintech đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển ký quỹ tài sản số – một bước quan trọng để thúc đẩy đầu tư toàn cầu.

Nếu như giải được các điểm nghẽn trên, những kỳ vọng được Chủ tịch DNSE đưa ra như nhà đầu tư Việt có thể mua hàng ở nước ngoài, tìm kiếm nhà đầu tư rót vốn từ Mỹ trong 10 năm tới sẽ trở thành hiện thực

Công ty cổ phần chứng khoán SSI