XU HƯỚNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ VÀ TRIỂN VỌNG ĐẦU TƯ TỪ GÓC NHÌN NHÀ QUẢN LÝ QUỸ

(Theo Dân Trí) Công nghệ ngày càng thâm nhập sâu vào các lĩnh vực, mang tới nhiều cơ hội và thách thức cho nền kinh tế nói

Trở lại
XU HƯỚNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ VÀ TRIỂN VỌNG ĐẦU TƯ TỪ GÓC NHÌN NHÀ QUẢN LÝ QUỸ

25/11/2024

(Theo Dân Trí) Công nghệ ngày càng thâm nhập sâu vào các lĩnh vực, mang tới nhiều cơ hội và thách thức cho nền kinh tế nói chung và giới đầu tư nói riêng.

Để tìm hiểu triển vọng đầu tư khi ứng dụng công nghệ bùng nổ, ông Nguyễn Phan Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM), đã có những chia sẻ liên quan chủ đề này.

Nhóm ngành công nghệ đưa quỹ mở cổ phiếu của SSIAM lên hàng đầu về hiệu suất trên thị trường. Ông có thể chia sẻ về triển vọng và tiềm năng trong ngắn, trung và dài hạn?

- Nhóm ngành công nghệ đóng vai trò then chốt trong việc đưa hiệu suất đầu tư của các quỹ mở SSIAM lên top đầu thị trường. Điển hình như VLGF, tỷ trọng phân bổ cho cổ phiếu FPT - doanh nghiệp đầu ngành công nghệ được duy trì ở mức 14-15%, có thời điểm lên đến 20% danh mục. Tỷ suất lợi nhuận 10 tháng là 27,2%, riêng cổ phiếu FPT đóng góp 9,7%.

Triển vọng tăng trưởng của ngành công nghệ được đánh giá tích cực ở cả ngắn, trung và dài hạn. Ngắn hạn 2024 - 2025, ngành được hậu thuẫn bởi làn sóng chuyển đổi số toàn cầu sau đại dịch, với 64% doanh nghiệp đẩy mạnh số hóa theo khảo sát của McKinsey.

Ở tầm nhìn trung hạn khoảng 5 năm, ngành công nghệ Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng mạnh với CAGR gần 10%, đạt quy mô 13,32 tỷ USD vào năm 2029 theo Mordor Intelligence. Mảng IT Outsourcing dự kiến tăng trưởng CAGR 11,51% đến năm 2028.

Về dài hạn, theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế số Việt Nam, trong đó ngành công nghệ là trụ cột chính, sẽ đạt 200 tỷ USD vào năm 2045 với tốc độ tăng trưởng 10%/năm, Chúng tôi cho rằng ngành công nghệ là nhóm ngành có tăng trưởng trong dài hạn bởi gắn liền với tăng trưởng của nền kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống và nâng cao năng suất lao động từ đó thúc đẩy năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ông có thể chia sẻ thêm về hoạt động của các quỹ đầu tư tư nhân vào lĩnh vực công nghệ tại SSIAM?

- Chúng tôi có hoạt động quản lý một số quỹ thành viên, đầu tư vào công ty tư nhân, cùng với đối tác là Daiwa Corporate Investments thuộc tập đoàn Daiwa Securities của Nhật Bản kể từ những năm 2009.

Đi cùng với sự phát triển của nền kinh tế và quá trình số hóa mạnh mẽ của thị trường trong thời gian 5 năm trở lại đây, chúng tôi cũng có một số khoản đầu tư vào những công ty tiềm năng có yếu tố ứng dụng công nghệ, kiến tạo giá trị trong nền kinh tế số. Ví dụ thương vụ đầu tư vào OnPoint - nhà cung cấp các dịch vụ phát triển thương mại điện tử cho các nhãn hàng lớn và doanh nghiệp (xin bằng chứng) hay Ecomobi - nhà cung cấp giải pháp hàng đầu về tiếp thị liên kết, tiếp thị người ảnh hưởng, giúp các nhãn hàng và nhà sáng tạo nội dung tăng trưởng trên nền tảng số online.

Theo ông, ngành công nghệ có thể được gọi là một trụ cột trong chiến lược đầu tư trọng điểm của SSIAM trong 5 năm tới?

- Về định hướng đầu tư cụ thể trong ngành công nghệ, SSIAM có 5 luận điểm chính. Thứ nhất, ngành thể hiện tiềm năng tăng trưởng cao và bền vững trong dài hạn, phù hợp với chiến lược đầu tư dài hạn của SSIAM. Thứ hai, việc đầu tư vào ngành công nghệ giúp đa dạng hóa danh mục một cách hiệu quả, góp phần giảm thiểu rủi ro và tăng cơ hội sinh lời. Thứ ba, ngành công nghệ Việt Nam đang được hưởng lợi mạnh mẽ từ xu hướng chuyển đổi số toàn cầu, tạo ra nhiều cơ hội đầu tư hấp dẫn.

Thứ tư, đi theo xu hướng đó, khả năng cạnh tranh tăng cao và việc đẩy mạnh mở rộng thị trường quốc tế của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ mở ra triển vọng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận đáng kể. Cuối cùng, sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ngành, giúp giảm thiểu rủi ro đầu tư.

Về tiềm năng tại thị trường nội địa, triển vọng tăng trưởng của ngành công nghệ thông tin khả quan với dự báo đạt 13,32 tỷ USD vào năm 2029, tăng trưởng CAGR gần 10% từ mức 8,3 tỷ USD năm 2024 theo Mordor Intelligence. Tiềm năng này được hậu thuẫn bởi ba yếu tố nền tảng: chính sách, lợi thế về dân số trẻ, hưởng lợi từ câu chuyện "Trung Quốc +1" và hệ sinh thái khởi nghiệp.

Về chính sách, Chính phủ đã đặt mục tiêu đưa công nghiệp số đóng góp 30% GDP vào năm 2030, đồng thời triển khai đồng bộ các chương trình quốc gia về chuyển đổi số và phát triển AI. Thị trường nội địa cũng đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái công nghệ với gần 100 triệu dân số, trong đó có tỷ lệ lớn dân số trẻ và thích ứng nhanh với công nghệ mới.

Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Samsung, Google, NVIDIA và Meta đã và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam, trong đó Samsung dự kiến đầu tư thêm 1,8 tỷ USD vào nhà máy sản xuất màn hình LED ở Bắc Ninh, còn Google đang xem xét đầu tư trung tâm dữ liệu với mức 300 - 650 triệu USD.

Về tiềm năng tăng trưởng thị trường quốc tế, trong trung hạn, tăng trưởng ngành công nghệ toàn thế giới được dự báo tiếp tục duy trì mức tăng trưởng hai chữ số. Theo dự báo của Business Research Insights, thị trường công nghệ toàn cầu sẽ đạt mốc 19.100 tỷ USD vào năm 2028, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt 12,7% trong giai đoạn 2023-2028.

Hiện đã có trên 1.500 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vươn ra nước ngoài, mang về doanh thu ước tính khoảng 7,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng đáng kể 80% tổng doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số trong nước. Việt Nam cũng đang nằm trong top 10 quốc gia về gia công phần mềm toàn cầu và là điểm đến hấp dẫn cho các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Samsung, Intel, LG trong việc phát triển các trung tâm R&D.

Chính phủ Việt Nam đã có chiến lược về ứng dụng và phát triển blockchain, định hướng trở thành một điểm sáng về nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Ở góc độ công ty quản lý quỹ, ông có bình luận gì?

- Blockchain có thời gian dài được nghiên cứu và phát triển trên thế giới, hiện đã có rất nhiều nền tảng hạ tầng có tính đột phá và được chấp nhận sâu rộng trong cộng đồng công nghệ và trên rất nhiều các quốc gia trên toàn cầu. Có thể nói công nghệ Blockchain cũng sẽ mang tính đột phá và cách mạng như Internet của những năm đầu thập kỷ 90. Chính phủ Việt Nam cũng đã rất thức thời khi có chiến lược và định hướng nước ta nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ này.

Về AI, xu hướng đã rất rõ ràng. Công nghệ này mang lại bước vọt trong năng suất lao động ở hầu hết mọi lĩnh vực truyền thống, bao gồm cả tài chính. Ở góc độ của một công ty quản lý quỹ, chúng tôi có quan tâm tới xu hướng công nghệ này và cũng sẽ có những nghiên cứu, triển khai ứng dụng.

Ông Nguyễn Phan Dũng - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM).

Tại Thái Lan, các công ty quản lý quỹ đã phát triển những sản phẩm "bắt trend" như quỹ đầu tư vào công nghệ, ESG, công nghệ sinh học... Đó có phải là một mối quan tâm của SSIAM khi thiết kế sản phẩm?

- Chúng tôi vẫn tập trung vào những sản phẩm có thế mạnh của mình và phù hợp với thị hiếu chung của nhà đầu tư đối với thị trường Việt Nam. Các chủ đề quan tâm chung của toàn cầu như ESG hay đầu tư tác động, kiến tạo, chúng tôi đã đưa vào cụ thể tuyên ngôn và quy trình hoạt động của các sản phẩm.

Chúng tôi cũng vẫn luôn cởi mở cho cơ hội hợp tác với các đối tác chiến lược ở các ngành nghề tiềm năng để có thể triển khai thiết kế được những sản phẩm đầu tư phù hợp mang lại tính cộng hưởng chuyên môn cao cho nhà đầu tư.

Ngành công nghệ bùng nổ nhu cầu trong giai đoạn Web 2.0 nhưng đặt ra không ít thách thức cần xử lý, ông nhận xét ra sao về triển vọng của ngành này?

- Bản chất của công nghệ là tính phá vỡ và thúc đẩy. Và khi đã có đột phá, thường sẽ có nhiều tác động sâu rộng trực tiếp và gián tiếp lên các thành phần tham gia trong lĩnh vực cụ thể mà nó có ứng dụng. Ở góc độ đầu tư thường có những sự hưng phấn mang tính thái quá, kéo theo kỳ vọng định giá vượt phạm vi an toàn của thành viên thị trường. Chúng tôi luôn cởi mở với những cơ hội tiềm năng, nhưng cũng muốn quản trị rủi ro một cách thận trọng trong phạm vi những gì mình hiểu.

Công ty cổ phần chứng khoán SSI