Hiểu đúng về “tính đòn bẩy” của Chứng quyền có bảo đảm

(Nguồn: vietstock.vn) Điểm thú vị của chứng quyền có bảo đảm – Covered Warrant (CW) là nhà đầu tư (NĐT) không phải ký

Trở lại
Hiểu đúng về “tính đòn bẩy” của Chứng quyền có bảo đảm

30/05/2019

(Nguồn: vietstock.vn) Điểm thú vị của chứng quyền có bảo đảm – Covered Warrant (CW) là nhà đầu tư (NĐT) không phải ký quỹ, nhưng vẫn có thể tận dụng được tính chất đòn bẩy cao của CW để có mức lãi gấp nhiều lần so với vốn bỏ ra. Đồng thời, CW xác định được ngay từ đầu mức lỗ tối đa (bằng đúng chi phí bỏ ra ban đầu đề mua CW) nên cũng giúp NĐT kiểm soát được rủi ro.
 
 
Chứng quyền có bảo đảm (CW) được đưa vào hoạt động sẽ cung cấp thêm cho các NĐT công cụ phòng ngừa rủi ro, cũng như gia tăng lựa chọn về sản phẩm đầu tư với khoản chi phí thấp.
 

Sinh lời gấp nhiều lần với CW

CW là sản phẩm phổ biến trên thế giới, thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia. CW luôn gắn liền với một chứng khoán cơ sở để làm căn cứ tham chiếu xác định lãi/lỗ. Tại Việt Nam, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cùng các cơ quan quản lý, các công ty chứng khoán (CTCK) cũng đã hoàn thiện các khâu để sẵn sàng cho sản phẩm chứng quyền có bảo đảm chính thức giao dịch, dự kiến vào 28/06/2019 tới đây.

Trong giai đoạn đầu, theo khảo sát giữa các Tổ chức phát hành (TCPH) dự kiến có 7 CTCK đăng ký phát hành 12 CW dựa trên 6 mã chứng khoán cơ sở - đều là bluechip, vốn hóa lớn, thanh khoản cao - chuẩn bị ra mắt thị trường. Các CTCK có thể cùng phát hành CW trên cùng 1 mã cổ phiếu (có thể giống hoặc khác nhau về giá thực hiện, tỷ lệ thực hiện...).

CW có tính chất đòn bẩy cao, có thể lên đến 7-10 lần, với vòng đời theo quy định từ 3-24 tháng. Chẳng hạn với SSI, đã nộp lên UBCKNN với 6 mã CW dựa trên 4 mã chứng khoán cơ sở, với các kỳ hạn từ 3 đến 6 tháng.

Các CTCK sẽ phát hành giá của chứng quyền thường nhỏ hơn rất nhiều lần so với giá chứng khoán cơ sở, tức vốn đầu tư thấp hơn nên NĐT có cơ hội thu được tỷ suất lợi nhuận cao hơn.

Chẳng hạn, CTCK có thể phát hành CW dựa trên chứng khoán cơ sở là MBB, giá CW là 2,000 đồng/CW, tỷ lệ thực hiện 1:1 (NĐT sở hữu 1 CW được quyền mua 1 cổ phiếu MBB),giả sử giá MBB hiện tại và giá thực hiện đều là 20,000 đồng/cp. Điều này có nghĩa, để sở hữu 1,000 cổ phiếu MBB, NĐT cần nguồn vốn 20 triệu đồng để mua cổ phiếu trên sàn, hoặc mua 1,000 CW mua với giá giá 2,000/CW. Với tỷ lệ thực hiện 1:1, giá thực hiện 20,000 đồng thì nguồn vốn ban đầu NĐT bỏ ra nếu chọn mua CW chỉ là 2 triệu đồng, đồng nghĩa với việc rủi ro thua lỗ của NĐT sẽ chỉ gói gọn trong 2 triệu đó, thay vì 20 triệu đồng nếu mua cổ phiếu trên sàn.

Trong trường hợp MBB tăng mạnh lên 24,000 đồng/cp thì giá CW giao dịch trên thị trường có thể lên đến 5,000 đồng/CW, và NĐT có thể bán CW chốt lãi quanh mức giá này. So sánh mức lợi nhuận để thấy mức lãi trên vốn đầu tư từ CW là (5,000 – 2,000)/2,000 = 150%, so với mua cổ phiếu trên sàn cho mức lãi là: (24,000 – 20,000)/20,000 = 20%.

Kết quả trên cho thấy NĐT sẽ có được tỷ suất sinh lời vượt trội nếu biết tận dụng công cụ CW. Đó cũng chính là “tính đòn bẩy” - đặc điểm cơ bản và ưu việt của sản phẩm này.

Với 20 triệu đồng trong ví dụ trên, NĐT có thể dùng để mua toàn bộ 10,000 CW. Trường hợp MBB tăng mạnh lên 24,000 đồng/cp thì nếu đầu tư vào CW, NĐT sẽ thu về khoản lãi 30 triệu đồng ((5,000 – 2,000)x10,000=30,000,000 đồng - thay vì khoản lãi chỉ 4 triệu đồng, nếu từ đầu tư vào cổ phiếu MBB ((24,000-20,000)x1.000=4,000,000 đồng).

Làm gì để hạn chế rủi ro khi tham gia CW?

Cần nhấn mạnh rằng, mức lỗ tối đa của CW là cố định, bằng đúng với khoản phí mà NĐT đã bỏ ra để mua CW (như ví dụ trên giá CW tương đương 10% giá cổ phiếu cơ sở). Còn đầu tư cổ phiếu, mức thiệt hại biến động theo mức sụt giảm của cổ phiếu.

Điều này cũng cho thấy, dù đầu tư chứng khoán cơ sở, hay kiếm tiền từ CW, nhà đầu tư đều cần đến dự báo về biến động giá cổ phiếu của chứng khoán cơ sở. Trong đó, thông tin về họat động doanh nghiệp, các dự báo/phân tích của CTCK, các yếu tố vĩ mô tác động, các yếu tố ngắn hạn...đối với giá cổ phiếu đều phải được NĐT quan tâm.

Theo tư vấn của SSI, khi kỳ vọng thị trường lên, NĐT có thể mua vào CW kết hợp với danh mục CKCS để gia tăng hiệu quả đầu tư. Ngược lại, khi thị trường xuống, NĐT có thể lựa chọn bán ra danh mục CKCS và lựa chọn mua dần CW để hạn chế rủi ro, do nếu thị trường tiếp tục giảm thì phần thua lỗ sẽ chỉ giới hạn trong quyền phí.

Ngoài ra, NĐT còn cần để ý đến một số yếu tố có thể tác động rủi ro đến khoản đầu tư CW. Chẳng hạn vòng đời giới hạn của sản phẩm CW (khác biệt hoàn toàn so với chứng khoán cơ sở), nếu đến thời điểm đáo hạn, NĐT sẽ không được tiếp tục nắm giữ CW như cổ phiếu(dĩ nhiên sẽ được CTCK thanh toán tiền hoặc mất khoản phí mua ban đầu). Hoặc CW có thể bị mất giá theo thời gian, dẫn đến việc sụt giảm giá của CW. Theo SSI, nhà đầu tư không nên xem CW là sản phẩm có thể mua và nắm giữ dài hạn. Khảo sát của SSI cho thấy, kỳ hạn 3-6 tháng đang được NĐT quan tâm nhất.

Và đặc biệt là khả năng đảm bảo nghĩa vụ thanh toán cho người sở hữu CW – hay nói cách khác là khả năng thanh toán của CTCK. Theo quy định, ngoài các điều kiện về hiệu quả kinh doanh, quy mô vốn chủ sở hữu, thì các tổ chức phát hành CW phải ký quỹ tài sản đảm bảo thanh toán, với giá trị ký quỹ tối thiểu là 50% giá trị đợt chào bán. Đồng thời, CTCK còn phải thực hiện hoạt động phòng ngừa rủi ro (hedging) hàng ngày, và cũng phải tạo lập thị trường cho CW, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư có thể bán lại CW bất kỳ thời điểm nào nếu nhà đầu tư không muốn nắm giữ đến ngày đáo hạn.

Những yếu tố này buộc các CTCK tham gia phát hành phải có nguồn vốn lớn dù có bán được CW hay không; đồng thời phải có hệ thống tạo lập thị trường tốt, và có hạn mức tự doanh lớn là một lợi thế, CTCK phải dùng tài khoản tự doanh để mua vào lượng cổ phiếu cần thiết để làm tài sản bảo đảm cho chứng quyền.

Các tiêu chí này, đa phần những CTCK nằm trong Top 10 thị phần đều đáp ứng được, trong đó, thị phần số 1 nhiều năm liên tiếp đang thuộc về SSI. Hiện SSI cũng là CTCK có vốn điều lệ và hạn mức tự doanh lớn nhất, lợi thế về nguồn lực để phát hành được đa dạng CW, đồng thời mua kho đủ lớn để phòng ngừa rủi ro khi có hạn mức tự doanh cao.

Được biết, từ năm 2017, SSI đã đầu tư hệ thống tạo lập thị trường khi HOSE đưa ra yêu cầu bài toán đối với các thành viên tham gia phát hành CW. Về cơ bản, hệ thống sẽ thực hiện đặt lệnh tạo lập thị trường tự động nhằm đáp ứng các yêu cầu về thanh khoản của sản phẩm. Hệ thống này cũng đồng thời tính toán số lượng CKCS cần thiết phải mua vào/bán ra để đảm bảo nghĩa vụ phòng ngừa rủi ro (hedging).

Để giúp các NĐT có được cái nhìn tổng quan nhất về sản phẩm Covered Warrant, cũng như triển vọng tăng trưởng các mã chứng khoán cơ sở do SSI phát hành chứng quyền, Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI tổ chức “Hội thảo chứng quyền có bảo đảm – Đón đầu cơ hội mới” tại:

  • TP.Hồ Chí Minh: 15h00 – 17h30, ngày 6/6/2019 (Thứ 5). Hội trường tầng 11, Tòa nhà Exchange Tower - Sở GD Chứng khoán TP.HCM, Số 01 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 1, TP.HCM
  • Hà Nội:  15h00 – 17h30, ngày 10/6/2019 (Thứ 2). Tầng 1, Sở GD Chứng khoán Hà Nội, Số 02 Phan Chu Trinh, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

 

Với vị thế công ty chứng khoán số 1 Việt Nam, cùng đội ngũ chuyên gia chứng khoán hàng đầu thị trường, Hội thảo chắc chắn sẽ mang đến nhiều thông tin hữu ích, giúp NĐT có thêm quyết định chính xác cho các khoản đầu tư.

Công ty cổ phần chứng khoán SSI