Tin kinh tế

Tin kinh tế
Đưa vào hoạt động 3 bồn chứa LPG tại Kho cảng PV GAS Vũng Tàu
Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) vừa hoàn thành công tác EPC (chạy thử) và đưa vào hoạt động 3 bồn chứa LPG tại Kho cảng PV GAS Vũng Tàu. Đây là dự án do PV GAS làm chủ đầu tư, trong đó Công ty Quản lý dự án khí (PV GAS PMC) - đơn vị trực thuộc PV GAS được giao làm đại diện chủ đầu tư quản lý dự án và Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) là tổng thầu EPC. Trong tháng 7 vừa qua, dự án đã hoàn thành công tác thi công lắp đặt, thực hiện thành công tiền chạy thử, chạy thử; và được bàn giao cho Công ty Chế biến khí Vũng Tàu (PV GAS VUNG TAU), đơn vị trực thuộc PV GAS quản lý vận hành từ ngày 29/7/2024. Kho cảng PV GAS Vũng Tàu là mắt xích quan trọng, hoạt động liên tục trong hệ thống khí Bạch Hổ và Nam Côn Sơn, với sức chứa tương đương 50% tổng công suất kho chứa LPG cả nước, góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và bình ổn thị trường LPG trong nước. Kho cảng nằm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (Khu công nghiệp Cái Mép, thị xã Phú Mỹ), được vận hành từ năm 2000, là kho chứa khí hóa lỏng (LPG), condensate lớn nhất Việt Nam, có nhiệm vụ chính là tồn chứa, xuất/ nhập các sản phẩm LPG, condensate của Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố; condensate của Nhà máy khí Nam Côn Sơn và nguồn LPG nhập khẩu cho các tàu và xe bồn, vận chuyển đến các hộ tiêu thụ. PV GAS cho biết đã đầu tư Dự án Bồn chứa LPG tại Kho cảng PV GAS Vũng Tàu nhằm tăng công suất tồn chứa, tăng hiệu quả hoạt động của hệ thống kho chứa LPG, đảm bảo tính linh hoạt trong vận hành, đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh; tăng tính cạnh tranh trong môi trường kinh doanh LPG ngày càng gay gắt với nhiều đối thủ trong và ngoài nước. Dự án có quy mô gồm 3 bồn chứa LPG, dung tích 2.000 tấn LPG/bồn, cùng các hệ thống công nghệ, phụ trợ, đáp ứng yêu cầu nhập, tồn chứa và xuất các sản phẩm LPG của PV GAS. Công trình sử dụng công nghệ tồn chứa LPG dạng bồn cầu là công nghệ tối ưu nhất hiện nay cho việc tồn chứa và xuất nhập sản phẩm LPG. Đặc biệt, dự án này đã kết hợp đầu tư mới thiết bị và tận dụng các thiết bị hiện hữu của kho cảng PV GAS Vũng Tàu (hệ thống bơm LPG, máy nén hơi, cụm đo đếm…) nhằm tối ưu chi phí đầu tư và linh hoạt trong vận hành, sản xuất kinh doanh. Dự án được đăng kiểm quốc tế chất lượng công trình (DNV Việt Nam) chứng nhận về chất lượng thiết kế, mua sắm, thi công.Trong suốt quá trình triển khai, dự án đảm bảo an toàn tuyệt đối, không có tai nạn, sự cố nào. Đến cuối tháng 5/2024, dự án đạt 500.000 giờ làm việc an toàn. Tiến độ chạy thử và bàn giao hiện trạng cho đơn vị vận hành đáp ứng kế hoạch dự án. Dự án được đưa vào hoạt động đúng tiến độ, đảm bảo an toàn, chất lượng, bên cạnh đáp ứng yêu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh LPG của PV GAS hiện nay với vai trò là đơn vị chủ lực, chiếm 70% thị phần bán buôn LPG toàn quốc; phục vụ cho mục tiêu phát triển thị phần LPG của PV GAS trong tương lai đến năm 2035 và định hướng dài hạn đến năm 2045; tối ưu hóa và nâng cao hiệu quả sử dụng đất tại khu vực Kho cảng PV GAS Vũng Tàu./.
03/08/2024
Xem thêm
Chủ tịch PVN: Tín Nghĩa đòi giá thuê đất quá cao thì giá điện sẽ đội lên, người dân không thể chấp nhận
POW: Giá hiện tại Thay đổi Xem hồ sơ doanh nghiệp Dự án Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 do Tổng Công ty điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) là chủ đầu tư, có công suất 1.500MW. Đây được cho là dự án điện khí LNG đầu tiên của Việt Nam. Theo ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam , việc triển khai Dự án Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 chính là cơ sở, điều kiện để cho 12 chủ đầu tư khác trong 13 dự án LNG của Quy hoạch điện VIII có niềm tin để triển khai. Đến nay, dự án đã hoàn thành 85% khối lượng công việc, các hợp đồng tài trợ vốn với các ngân hàng trong và ngoài nước đã thực hiện lên tới 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án đã chậm tiến độ hơn 100 ngày và có nguy cơ đổ vỡ. Nguyên nhân được chỉ ra là hiện dự án còn khoảng 30,7 ha đất chưa được ký hợp đồng thuê giữa chủ đầu tư là PV Power và Tổng Công ty Tín Nghĩa. Ông Lê Mạnh Hùng cho rằng, vấn đề cốt lõi hiện nay là hợp đồng thuê đất, nếu không có hợp đồng thuê đất thì các thỏa thuận tín dụng tới tháng 6 này có thể sẽ không có nguồn vốn để thực hiện dự án, trong khi hợp đồng thuê đất là điều kiện tiên quyết để giải ngân. “Chúng tôi thấy đây là vấn đề rất bất hợp lý trong thời gian qua, không thể 1 dự án 2 chế độ, 1 dự 2 hợp đồng thuê đất được. Hiện nay, chi phí thuê đất đối với 12 ha đã thuê trước đó là 3,5 USD/m 2 nhưng với hình thức cho thuê lại của Khu công nghiệp Tín Nghĩa dự kiến 100 USD/m 2 là rất bất hợp lý cả về hình thức, cả về chi phí” , ông Lê Mạnh Hùng nói. Trong khi đó, cấu trúc giá thành của điện phát lên lưới sau này sẽ có tính phần phí thuê đất. Ông Lê Mạnh Hùng cũng cho biết, với giá đất thuê cao như vậy thì người dân sẽ không chấp nhận được giá điện sử dụng. “Quan điểm của Tập đoàn cho rằng nên thống nhất một hình thức là chủ đầu tư thuê trực tiếp từ UBND tỉnh Đồng Nai. Bởi các điều kiện cấu thành cho thuê lại của Tổng Công ty Tín Nghĩa đến bây giờ chưa hoàn thành, có phần chưa giải phóng mặt bằng, hạ tầng chưa đầu tư theo quy định của pháp luật, PV Power chưa biết phải chờ đến bao giờ. Chúng tôi hoàn toàn thống nhất là sẽ thanh toán những chi phí hợp lý, hợp lệ, đúng, đủ nhưng không thể nào vô lý như thế được”, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bày tỏ. Liên quan đến việc Tổng Công ty Tín Nghĩa (đơn vị có vốn góp của Tỉnh ủy Đồng Nai) cản trở PV Power cắt đường để triển khai thi công tuyến kênh xả nước làm mát, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Lê Mạnh Hùng cho rằng điều này đã gây thiệt hại đến dự án. “Dự án Nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 được Bộ Công Thương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thiết kế biện pháp thi công để các nhà thầu và chủ đầu tư triển khai. Nhưng Tín Nghĩa là một doanh nghiệp lại cản trở việc này tức là không thực hiện theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, gây thiệt hại cho dự án mà đến nay dự án đã bị chậm. Hôm nay (ngày 9/5) các đồng chí bên Tín Nghĩa có đồng ý cho thi công thì cũng đã tạo thành một hậu quả là đã dẫn đến dự án khó khăn rồi” , ông Lê Mạnh Hùng bức xúc. Ngoài những khó khăn cần sớm được tháo gỡ, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của UBND tỉnh Đồng Nai trong việc thi công trụ điện và kéo lưới phục vụ giải tỏa công suất bảo đảm tiến độ trước khi nhà máy đi vào hoạt động.
11/05/2024
Xem thêm
Hoa Sen, Thép Nam Kim nói gì về quyết định khởi xướng chống bán giá phá đối với HRC Trung Quốc?
HSG&NKG: Giá hiện tại Thay đổi Xem hồ sơ doanh nghiệp Mới đây, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã tiếp nhận hồ sơ của một công ty yêu cầu điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trước thông tin này, ngày 25/3, các công ty ống thép và tôn mạ của Việt Nam gồm: Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG), Công ty CP Thép TVP, Công ty CP Thép Nam Kim (mã NKG); Công ty CP Tôn Đông Á (mã GDA), Công ty Tôn Phương Nam, Công ty CP Tôn Pomina và Công ty CP Sản xuất Thép Vina One vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Cục Phòng vệ thương mại, Hiệp hội Thép Việt Nam nêu rõ mối quan ngại sâu sắc về khả năng khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam. Chống bán phá giá dễ dẫn tới một số doanh nghiệp độc quyền Theo lập luận của các doanh nghiệp này, tại Việt Nam, sản phẩm HRC chỉ được sản xuất bởi 2 doanh nghiệp là Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS). Nên nếu việc khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc xảy ra sẽ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn ngành thép Việt Nam. HPG và FHS hiện là 2 doanh nghiệp duy nhất sản xuất được HRC tại Việt Nam với thị phần gần 80% ngành HRC nội địa, chỉ khoảng 20% còn lại được cung cấp bởi các công ty thương mại nhập khẩu HRC và bán lại cho các công ty tôn mạ và ống thép. Như vậy, với tổng thị phần chiếm gần 80% ngành HRC nội địa, HPG và FHS đang là 2 doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường. Các công ty tôn mạ và ống thép cho rằng, một khi thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc được áp dụng, HRC từ Trung Quốc sẽ không thể nhập khẩu vào Việt Nam được nữa, dẫn đến tình trạng HPG và FHS độc quyền hoàn toàn nguồn cung HRC tại Việt Nam. Như vậy, các doanh nghiệp này có khả năng tăng giá bán HRC, dẫn đến giá bán thành phẩm tăng tương ứng và chỉ có các doanh nghiệp này được hưởng lợi. Ngược lại, một khi giá bán thành phẩm tăng gánh nặng đặt lên vai người tiêu dùng cuối cùng sẽ lớn hơn. Chênh lệch giữa giá bán HRC của HPG tại Việt Nam và giá nhập khẩu HRC từ Trung Quốc trong năm 2023 Trên thực tế, HRC do 2 doanh nghiệp Việt Nam sản xuất bán tại thị trường nội địa luôn cao hơn giá nhập khẩu khoảng 10 - 20 USD/tấn, cao điểm có thể chênh lệch hơn 40 - 50 USD/ tấn so với hàng nhập khẩu. Nếu giá bán HRC tiếp tục tăng thêm có thể khiến các ngành nghề sử dụng HRC làm nguyên liệu sản xuất như tôn mạ, ống thép, thép kết cấu và các sản phẩm thép khác dùng trong xây dựng, bất động sản, công nghiệp sản xuất rơi vào cảnh khó khăn chồng chất và bị phụ thuộc vào 2 doanh nghiệp này. "Giá mua nguyên liệu HRC ảnh hưởng trực tiếp đến giá bán thành phẩm của các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ và ống thép, từ đó quyết định mức độ cạnh tranh của tôn mạ và ống thép Việt Nam so với tôn mạ và ống thép từ các quốc gia khác tại cả thị trường xuất khẩu lẫn thị trường nội địa. Nếu giá nhập khẩu nguyên liệu HRC tăng cao vì thuế chống bán phá giá, đồng thời giá mua HRC nội địa cũng tăng cao tương ứng vì độc quyền nguồn cung của HPG và FHS, chắc chắn ngành sản xuất tôn mạ, ống thép tại Việt Nam sẽ không thể tồn tại và sụp đổ là tất yếu, ảnh hưởng tiêu cực đến công ăn việc làm của hàng chục ngàn người lao động và toàn bộ gia đình sau lưng họ, cũng như vốn đầu tư khổng lồ của hàng trăm ngàn cổ đông", văn bản của các công ty tôn mạ và ống thép nêu. Ngoài ra, theo các doanh nghiệp này, việc khởi xướng chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và kết quả cuối cùng là áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc còn ảnh hưởng trực tiếp đến vị thế của Việt Nam khi tham gia các vụ việc phòng vệ thương mại, đặc biệt là tại thị trường Hoa Kỳ, Mexico. Hoa Kỳ, Mexico là những quốc gia cực kỳ khắt khe trong việc đánh giá Việt Nam có phải là một nền kinh tế thị trường hay không, hoặc có tồn tại tình hình thị trường đặc biệt trong ngành thép Việt Nam hay không. Không đủ căn cứ khởi xướng chống bán phá giá HRC nhập khẩu từ Trung Quốc Trong văn bản, các công ty tôn mạ và ống thép cũng dẫn quy định của Luật Quản lý Ngoại thương năm 2017 nêu rõ việc áp dụng các biện pháp chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu sẽ phải đủ 3 điều kiện bắt buộc. Tuy nhiên, khi phân tích chi tiết 3 điều kiện bắt buộc trên các doanh nghiệp nhận thấy việc khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam là hoàn toàn không có căn cứ. Với điều kiện thứ nhất là "hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bị bán phá giá với biên độ bán phá giá được xác định cụ thể" thì theo số liệu thực tế, biên độ phá giá (mức độ chênh lệch giữa giá thông thường và giá xuất khẩu) của HRC từ Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam trong suốt năm 2023 rất thấp, chỉ khoảng 1,26% nên không thể coi là “bán phá giá”. Bởi Điều 78, Luật Quản lý Ngoại thương "không áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu có biên độ bán phá giá không vượt quá 2% giá xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam". Như vậy, điều kiện thứ nhất để áp dụng các biện pháp chống bán phá giá là không có căn cứ. Với điều kiện thứ hai, đó là "ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại đáng kể hoặc bị đe dọa gây thiệt hại đáng kể hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước" thì số liệu của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cũng cho thấy sản lượng sản xuất HRC do các công ty Việt Nam sản xuất có sự tăng trưởng tốt trong giai đoạn 2019 - 2023. Sản lượng sản xuất HRC của HPG và FHS từ năm 2019 đến năm 2023 Cụ thể, sản lượng sản xuất HRC năm 2019 đạt 4,13 triệu tấn; năm 2020 đạt 4,45 triệu tấn; năm 2021 đạt 7,3 triệu tấn; năm 2022 giảm còn 6 triệu tấn và năm 2023 tăng trở lại mức gần 6,73 triệu tấn. Sự tăng trưởng này cho thấy hoàn toàn không có thiệt hại của ngành sản xuất HRC Việt Nam thể hiện qua sản lượng sản xuất. Tương tự, theo báo cáo của VSA, sản lượng bán hàng sản phẩm HRC của 2 công ty Việt Nam năm 2019 đạt gần 4,1 triệu tấn. Sang năm 2020 đạt gần 4,3 triệu tấn và tăng mạnh lên 7,13 triệu tấn vào năm 2021. Sau đó giảm về gần 6,2 triệu tấn vào năm 2022 và tăng lên 6,8 triệu tấn vào năm 2023. Như vậy, hoàn toàn không có thiệt hại của ngành sản xuất HRC tại Việt Nam khi lượng bán HRC do các công ty Việt Nam sản xuất tăng trưởng tốt trong giai đoạn 2019 - 2023. Ngoài ra, các số liệu cũng chỉ ra không có hiện tượng sụt giảm hiệu quả sử dụng công suất đối với 2 công ty sản xuất HRC Việt Nam là HPG và FHS. Đồng thời, không có hiện tượng HRC do các công ty Việt Nam sản xuất bị ép bán với giá quá thấp để cạnh tranh với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc bởi thực tế HPG và FHS luôn luôn bán HRC cho các doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam với giá cao hơn giá các doanh nghiệp này nhập khẩu HRC. Đối với điều kiện thứ ba là "tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa việc nhập khẩu hàng hóa bị bán phá giá ở điều kiện 1 với thiệt hại của ngành sản xuất trong nước quy định ở điều kiện 2" thì do hai điều kiện trên đã được chứng minh là không có căn cứ nên điều kiện thứ 3 cũng chắc chắn không thể đáp ứng để khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam. Từ những luận điểm trên, các doanh nghiệp gửi văn bản khẳng định rằng không tồn tại hànhvibán phá giá sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam, đồng thời, không có thiệt hại và không bị đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể tại các doanh nghiệp sản xuất HRC tại Việt Nam mà ngược lại, ngành HRC Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế và dư địa để tiếp tục phát triển. Do đó, nhóm doanh nghiệp đề nghị không khởi xướng điều tra bất kỳ biện pháp phòng vệ thương mại nào cũng như bất kỳ công cụ hạn chế nhập khẩu nào đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng HRC, bởi việc áp thuế phòng vệ thương mại hoặc xây dựng bất kỳ rào cản thuế quan, phi thuế quan nào khác đối với HRC nhập khẩu đều làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ và ống thép nội địa.
27/03/2024
Xem thêm
PVOil tăng trưởng vượt bậc, hoàn thành 158% kế hoạch năm 2023
Ngày 25/12, đại diện Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) cho biết năm 2023, đơn vị này đã tận dụng tốt cơ hội thị trường và có sự tăng trưởng vượt bậc về sản lượng kinh doanh kể từ trước đến nay, đạt 5,2 triệu m3/tấn xăng dầu các loại, hoàn thành 158% kế hoạch năm và tăng trưởng 28% so với thực hiện năm 2022. Bên cạnh đó, Tổng Công ty cũng về đích sớm 2 năm so với mục tiêu sản lượng đề ra trong Kế hoạch 2020-2025. Với kết quả trên, PVOIL hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu tài chính với doanh thu hợp nhất năm thứ hai liên tiếp vượt mốc 100.000 tỷ đồng, hoàn thành 220% kế hoạch năm. “Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 750 tỷ đồng, hoàn thành 125% kế hoạch năm, mặc dù đã chịu tổn thất không nhỏ trong giai đoạn quý 4 khi giá dầu giảm sâu,” đại diện PVOIL cho hay. Điểm nổi bật của PVOIL trong năm 2023 là toàn hệ thống đã phát triển được 107 cửa hàng xăng dầu; hoàn thành gấp đôi kế hoạch năm, nâng tổng số cửa hàng xăng dầu của PVOIL hiện có là 762 cửa hàng. Trong năm 2024, bên cạnh hoạt động kinh doanh truyền thống, PVOIL sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác Chuyển đổi Số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh; khai thác hiệu quả các dịch vụ phi xăng dầu; đa dạng hóa các dịch vụ trên cơ sở phát huy lợi thế của hệ thống kinh doanh xăng dầu hiện hữu và phát triển trong tương lai./.
25/12/2023
Xem thêm
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình muốn cùng NVIDIA đưa Việt Nam thành cứ điểm AI và bán dẫn
Chia sẻ trong hai buổi làm việc với Chủ tịch kiêm CEO của NVIDIA, Jensen Huang, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình cho biết công nghệ AI, Chip, điện tử là một trong những yếu tố then chốt để Việt Nam đuổi kịp các nước tiên tiến trên thế giới. Theo đó, ông Bình mong muốn sẽ đồng hành cùng với NVIDIA đưa Việt Nam thành cứ điểm thu hút nhân tài AI và bán dẫn trên khắp thế giới để góp phần phát triển hệ sinh thái bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, thúc đẩy các công ty khởi nghiệp, thiết kế, phát triển các siêu máy tính... Lĩnh vực chip bán dẫn, AI được FPT xem là những hướng đi trọng tâm trong thời gian tới. Theo đó, FPT tập trung đẩy mạnh lĩnh vực này theo các hướng: đầu tư, nghiên cứu, phát triển nền tảng, giải pháp; hợp tác với các tổ chức, Tập đoàn hàng đầu thế giới; đào tạo nhân lực... Hiện trong lĩnh vực AI, FPT đã và đang đầu tư mạnh mẽ ở các góc độ: con người, cơ sở hạ tầng, dữ liệu và nghiên cứu. FPT đã gia nhập liên minh AI thế giới do IBM và Meta khởi xướng, thiết lập các chiến lược nghiên cứu với Viện nghiên cứu AI hàng đầu thế giới – Mila, trở thành nhà đầu tư vào Landing AI…. FPT cũng đã có những sản phẩm trí tuệ nhân tạo có hàng triệu người dùng trên quy mô toàn cầu. Trong lĩnh vực bán dẫn, đến nay, sản phẩm chip nguồn của FPT đã qua giai đoạn nghiên cứu phát triển, đến giai đoạn sản xuất hàng loạt. FPT đã nhận được 70 triệu đơn hàng chip trên toàn thế giới cho đến năm 2025. Công ty cũng đang tập trung thúc đẩy đào tạo 10.000 nhân lực thông qua việc hợp tác chiến lược với Silvaco (Mỹ); hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Tổ chức chuyên gia công nghệ Mỹ TreSemi thành lập Trung tâm Đào tạo bán dẫn Việt Nam; hợp tác với tổ chức giáo dục Pearson Vương Quốc Anh ký kết chuyển giao chương trình đào tạo công nghệ bán dẫn về Việt Nam. Đồng thời, Tổ chức Giáo dục FPT cũng đã thành lập Khoa Vi mạch bán dẫn, dự kiến đón lứa học viên, sinh viên đầu tiên vào năm 2024.
11/12/2023
Xem thêm
Doanh nghiệp bán lẻ gặp khó, “trông chờ” vào những tháng cuối năm
MWG&KDC: Giá hiện tại Thay đổi Xem hồ sơ doanh nghiệp Doanh nghiệp đuối sức, bỏ dở mục tiêu Trong bối cảnh tình hình kinh doanh ngày càng khó khăn, “ông lớn” trong ngành điện máy - Thế giới di động vừa cho biết, sẽ tích cực tái cấu trúc trong quý IV để tối ưu chi phí, trong đó có thể đóng cửa thêm 200 cửa hàng không hiệu quả. “Đây là những cửa hàng không hiệu quả về doanh thu và lợi nhuận. Chúng tôi sẽ theo dõi sát sao kết quả để điều chỉnh phù hợp tại từng thời điểm”, bản công bố thông tin của Thế giới di động viết. Được biết, công ty này hiện có hơn 5.600 cửa hàng, gồm 1.158 cửa hàng Thế giới di động, 2.281 cửa hàng Điện máy xanh, hơn 1.700 siêu thị Bách hóa xanh và 540 nhà thuốc An Khang. Ý định đóng bớt cửa hàng Thế giới di động và Điện máy xanh kém hiệu quả cũng từng được Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài đề cập trong cuộc họp với nhà đầu tư gần đây. Với tình trạng sức mua thị trường yếu và còn kéo dài, công ty cho rằng không thể duy trì những bộ phận kém hiệu quả. “Thực tế trong thời gian qua, nhiều cửa hàng đã không đem tiền về cho công ty, khác hẳn so với hiệu suất hoạt động trước đó”, ông Tài cho biết. Tuy nhiên, ông khẳng định, việc đóng bớt cửa hàng sẽ không ảnh hưởng đến doanh thu, mà chỉ “chuyển từ cửa hàng này sang cửa hàng khá”. Thêm vào đó, chi phí mặt bằng, nhân viên, điện nước được cắt giảm, giúp công ty cải thiện lợi nhuận. Điều này, theo ông Tài, có cơ sở bởi mạng lưới điểm bán của Thế giới di động rất dày, hai cửa hàng đôi khi chỉ cách nhau vài trăm mét. Thế giới di động chỉ muốn giữ lại những bộ phận đem lại hiệu quả để dồn lực nhiều hơn. “Những bộ phận đang 'ăn bám' sẽ bị đá khỏi công ty”, ông Tài nói. Không chỉ ngành bán lẻ , ngành hàng F&B cũng sụt giảm mạnh trong thời gian qua. Theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp ngành hàng F&B hồi tháng 9/2023 của Vietnam Report, từ năm 2022 đến 2023, có đến 33,3% doanh nghiệp ngành này giảm doanh thu, 41,7% doanh nghiệp giảm lợi nhuận. Còn theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường Nielsen IQ, khoảng 84% ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đã tăng giá trong 8 tháng đầu năm nay khiến doanh thu của ngành này liên tục giảm. Ông Dzũng Nguyễn, Giám đốc cấp cao đo lường thị trường bán lẻ Nielsen IQ, nhận định, hầu hết mặt hàng đều bị giảm sản lượng tiêu thụ trong 8 tháng đầu năm nay. Trong 26.214 thương hiệu ở Việt Nam được công ty nghiên cứu thị trường này theo dõi, có đến 60% đang trên đà suy giảm khi tăng giá bán và đánh mất sản lượng. Giới phân tích cũng cho rằng, kinh tế khó khăn, doanh thu tại các cửa hàng giảm trong khi doanh nghiệp phải chi nhiều hơn cho khuyến mãi, giảm giá và các ưu đãi khác khiến biên lợi nhuận tại các cửa hàng giảm so với trước. “Thay vì đầu tư cho mặt bằng đắc địa và dành phần lớn lợi nhuận trả chi phí mặt bằng, doanh nghiệp chọn rút lui, chuyển hướng về các khu vực xa trung tâm hoặc đầu tư cho bán hàng trực tuyến” - ông Trần Lệ Nguyên, CEO Công ty CP Tập đoàn Kido, nói. Trong khi đó, chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang cho rằng, sức mua giảm sâu, thương mại điện tử phát triển “nóng” khiến đại đa số người tiêu dùng chọn mua sắm online thay vì trực tiếp đến cửa hàng và khủng hoảng thừa ở một số lĩnh vực khiến nhiều cửa hàng không còn hiệu quả, buộc phải đóng cửa. Theo báo cáo mới cập nhật của VNDirect, tính chung 10 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.105 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng kỳ. Kỳ vọng vào sức cầu cuối năm Nhận định riêng ngành bán lẻ, VNDirect đánh giá, thời điểm ảm đạm đã qua trong nửa đầu năm nay, đang hướng tới giai đoạn phục hồi với nhiều dấu hiệu tích cực. Sau khi chạm đáy từ giai đoạn tiêu thụ yếu, VNDirect cho rằng, các công ty phân phối và bán lẻ điện tử tiêu dùng sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận ròng mạnh nhất kể từ quý IV trở đi nhờ triển vọng phục hồi vẫn tương đối lạc quan. Lạm phát ổn định và mặt bằng lãi suất thấp đủ lâu có thể sẽ kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng vào mùa cao điểm cuối năm. Trong một báo cáo mới đây, chứng khoán DSC cũng cho rằng, những yếu tố xấu nhất của ngành bán lẻ đã qua đi, dự báo thời điểm cuối quý III sẽ là điểm rơi thích hợp cho các doanh nghiệp bán lẻ bứt phá sau khi có đủ thời gian thẩm thấu các chính sách. Bên cạnh đó, giai đoạn nhiều người mạnh tay chi tiêu hơn vào cuối năm được kỳ vọng sẽ giúp hoạt động mua sắm, bán lẻ ấm dần trở lại. Khảo sát mới đây của VCCI cũng chỉ ra điểm nghẽn của doanh nghiệp. Hầu hết doanh nghiệp được khảo sát đều cho rằng, mức tiêu thụ giảm sút mạnh ở thị trường các doanh nghiệp đang kinh doanh. Do đó, việc tăng trưởng tiêu dùng khi vào mùa mua sắm cuối năm sẽ là trụ đỡ cho nền kinh tế trong năm nay. Ông Phùng Thế Vinh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Kangaroo, thành viên Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho biết, mùa cuối năm là mùa vàng mua sắm lớn nhất trong năm của tất cả các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam và Kangaroo. Do đó, "chúng tôi đã quyết định dùng nguồn ngân sách dành cho chi phí khuyến mại lớn nhất trong năm cho mùa vàng cuối năm để đồng hành cùng các địa phương, đối tác trong bán hàng, đưa ra các model sản phẩm bán không lợi nhuận để kích cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, xây dựng và phát triển các sản phẩm đặc thù, phù hợp, đặc biệt là ở phân khúc trung và phổ thông. Cuối cùng, chuẩn bị hàng hoá và kênh phân phối trải khắp để dành cho mùa tiêu dùng cuối năm", ông Vinh cho hay.
27/11/2023
Xem thêm
Một doanh nghiệp Việt Nam được hưởng lợi trực tiếp từ dòng vốn FDI dịch chuyển từ Trung Quốc
Sự dịch chuyển nguồn vốn FDI 9 tháng đầu năm 2023, tổng vốn đăng ký cấp mới vào Việt Nam đạt 10,2 tỷ USD (tăng 44%), vốn thực hiện đạt 15,9 tỷ USD (tăng 3,2%). Trong đó, số vốn đăng ký từ Trung Quốc tăng lên 2,9 tỷ USD (tăng 93%), giữ vị trí thứ 2 (chiếm 14,5% tỷ trọng) trong các đối tác lớn đầu tư vào Việt Nam, sau Singapore. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất (85%) với 8,7 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới (tăng 78%). Việc dịch chuyển dòng vốn từ Trung Quốc bắt đầu từ những quyết định mang tính chiến lược nhằm phòng ngừa rủi ro hiện hữu đang ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và các nước phương Tây. Phần lớn dòng vốn FDI từ Trung Quốc dịch chuyển vào ngành công nghiệp điện tử, CNTT và truyền thông và các ngành công nghệ cao. Việt Nam, đặc biệt là phía Bắc có nhiều tuyến giao thông thuận tiện giữa hai nước nên việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất dễ dàng và tiết kiệm chi phí. Trong đó, Bắc Ninh, Bắc Giang và Hải Phòng vẫn là các tỉnh được lựa chọn ưu tiên đầu tư nhiều nhất khi có vị trí địa lý thuận lợi, giao thông phát triển và có giá thuê đất KCN cạnh tranh hơn phía Nam. Trong đó, Hải Phòng đứng thứ 2 cả nước sau Hà Nội, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước đạt trên 2,2 tỷ USD chiếm 22% vốn của cả nước, đây cũng là thành phố giữ tốc độ tăng trưởng hai chữ số bền bỉ trong nhiều năm. Bắc Giang và Bắc Ninh lần lượt đạt 1,8 tỷ USD (17% vốn cả nước) và 1,3 tỷ USD (12% vốn cả nước). KBC hưởng lợi trực tiếp từ dòng vốn FDI dịch chuyển từ Trung Quốc Tại Việt Nam, một doanh nghiệp được cho là hưởng lợi trực tiếp từ dòng vốn FDI dịch chuyển từ Trung Quốc là Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC). Trong Báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2023 của KBC, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này lần lượt là 247 tỷ đồng (tăng 22%) và 19 tỷ đồng (giảm 99% theo năm). Trong kỳ, KBC không ghi nhận doanh thu cho thuê đất khu công nghiệp do chưa kịp bàn giao đất cho khách hàng. KBC cho biết đã ký hợp đồng cho thuê đất với tổng diện tích 50ha, tổng giá trị hợp đồng là 1.700 tỷ, dự kiến có thể bàn giao trong quý 4/2023. Lợi nhuận sau thuế giảm mạnh là do trong quý 3/2022, KBC có ghi nhận khoản đánh giá lại khoản đầu tư vào công ty liên kết tại CTCP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng. Trong nửa đầu năm 2023, KBC đã mua lại trái phiếu trước hạn với tổng giá trị 2.400 tỷ đồng. Nhờ hoạt động này, vay ngắn hạn của KBC tại 30/9/2023 đã giảm từ 3.951 tỷ đồng còn 571 tỷ đồng so với cuối năm 2022. Vay dài hạn giảm 391 tỷ đồng so với năm trước đạt 3.297 tỷ đồng. Tổng tài sản KBC giảm 3% về 33.747 tỷ đồng chủ yếu là hàng tồn kho, khoản phải thu ngắn hạn và đầu tư tài chính dài hạn. Ngoài ra, khoản tiền và tương đương tiền đạt 911 tỷ đồng và phải thu ngắn hạn của khách hàng đạt 615 tỷ đồng; dòng tiền đã được cải thiện, nhưng vẫn ở mức -772 tỷ đồng. Do vậy, khoản tiền sử dụng đất dự nộp cho khu đô thị Tràng Cát và Phúc Ninh sẽ gia tăng áp lực tài chính với KBC. Với các Khu công nghiệp (KCN) lớn như Nam Sơn Hạp Lĩnh, Quang Châu MR, Tràng Duệ 3, đây là ưu thế của KBC trong việc đón nhận dòng vốn từ các nhà đầu tư Trung Quốc. Trong 9 tháng đầu năm, KBC đã ký hai hợp đồng lớn với Goertek và Fullian tại KCN Quang Châu MR và KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh đem lại dòng tiền dồi dào cho công ty. Năm 2023, KBC đặt kế hoạch cho thuê 250ha đất KCN. Trong đó, nửa đầu năm 2023, KBC đã ký tổng cộng 185 ha (bao gồm: 77ha tại Quang Châu, 93ha tại Nam Sơn Hạp Lĩnh, 15ha tại Tân Phú Trung). Quý 3/2023, KBC cũng đã thực hiện ký kết hợp đồng thêm 50ha tại các KCN Nam Sơn - Hạp Lĩnh (10ha), Quang Châu MR (22ha) và Tân Phú Trung (18,2ha). Dự kiến các hợp đồng này sẽ được ghi nhận vào kết quả kinh doanh trong quý 4/2023. Về ghi nhận, KBC đã bàn giao và ghi nhận 128ha đất KCN (một phần là các hợp đồng đã ký và trả tiền vào cuối 2022) trong 9 tháng đầu năm. KCN Tràng Duệ 3 của KBC tại Hải Phòng đang xin điều chỉnh lại quy hoạch 1/2000 để xin tăng thêm phần diện tích toàn khu từ 487ha lên 687ha (thêm 200ha). Và tiếp sau đó sẽ xin chủ trương đầu tư, dự kiến sẽ nhận được chấp thuận vào cuối 2023 hoặc đầu 2024. Doanh nghiệp sẽ đưa Tràng Duệ 3 vào kinh doanh trong 2024 và sẽ ghi nhận doanh thu ngay trong 2024. Cùng với đó, KBC cũng đang tích cực giải quyết thủ tục pháp lý tại KĐT Phúc Ninh và KĐT Tràng Cát. Tại KĐT Phúc Ninh, KBC vẫn đang vướng phần tiền sử dụng đất của 22ha còn lại. Dự kiến trong quý 4, UBND tỉnh Bắc Ninh sẽ có quyết định về số tiền sử dụng đất KBC cần nộp bổ sung; ước tính khoảng 3.000 tỷ đồng. Tại Phúc Ninh, KBC có một phần đất đã bán là 8ha, đã thu tiền khoảng 30%, sau khi xác định được tiền sử dụng đất, KBC sẽ tiến hành bàn giao và ghi nhận doanh thu từ phần diện tích này. Trong khi đó, KĐT Tràng Cát đang trong quá trình điều chỉnh quy hoạch 1/500 và tổng diện tích thương phẩm của cả dự án sẽ tăng thêm khoảng 100ha (như quy hoạch điều chỉnh tăng diện tích lên 800ha từ 585ha). Do việc điều chỉnh quy hoạch này, nên KBC sẽ phải thanh toán thêm khoảng 4.000 tỷ tiền sử dụng đất (ước tính), dự kiến sẽ phải nộp trong quý 4/2023. KBC có kế hoạch sẽ bán buôn 50ha tại Tràng Cát trong 2024, sau khi được phê duyệt quy hoạch điều chỉnh, để tất toán một số khoản vay cho KĐT Tràng Cát. Giá bán dự kiến khoảng 15 triệu đồng/m2. Dự kiến, KĐT Tràng Cát có thể được mở bán vào 2025. KBC rất tích cực trong việc đi phát triển thêm quỹ đất, nhiều dự án mới như CCN Phước Vĩnh Đông 1,2,4 (Long An); Tân Tập và Lộc Giang (Long An), Kim Động Ân Thi (Hưng Yên), Bình Giang (Hải Dương) sẽ là các dự án gối đầu, động lực tăng trưởng dài hạn cho KBC. Theo đánh giá của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt, lợi nhuận sau thuế cả năm 2023 của KBC dự báo hoàn thành 77% kế hoạch đề ra. Năm 2024, kịch bản dự án KDT Tràng Cát chưa kịp ghi nhận, lợi nhuận sau thuế thuộc công ty mẹ nhiều khả năng sẽ hạ nhiệt do các quỹ đất KCN hiện hữu của KBC không còn nhiều; và các dự án mới phần lớn giai đoạn triển khai pháp lý.
19/11/2023
Xem thêm
Siêu dự án điện khí 12 tỷ đô của Việt Nam triển khai, gói thầu tỷ đô trao cho DN trăm năm tuổi của Mỹ và PVS
Ngày 30/10 tại Hà Nội, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) cùng các đối tác đã ký kết các hợp đồng liên quan và triển khai chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn, đánh dấu bước tiến quan trọng của chuỗi dự án trọng điểm này. Gói thầu tỷ đô trao cho liên danh McDermott và PVS Chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn là chuỗi dự án khí điện nội địa bao gồm: Dự án phát triển mỏ Lô B (thượng nguồn), Dự án đường ống Lô B – Ô Môn (trung nguồn) và 4 nhà máy điện khí Ô Môn I, II, III, IV ở hạ nguồn, với quy mô đầu tư gần 12 tỷ USD. Sản lượng khai thác khí dự kiến khoảng 5,06 tỷ m3 khí/năm, cung cấp cho tổ hợp 04 nhà máy điện tại Trung tâm Điện lực Ô Môn với tổng công suất lắp đặt dự kiến lên đến 3.800 MW. Trong thời gian qua, vì nhiều lý do khách quan trong các thủ tục đầu tư các dự án nhà máy điện hạ nguồn, cũng như còn tồn tại, vướng mắc trong cơ chế chính sách về tiêu thụ khí điện, vận hành thị trường điện để các hộ tiêu thụ có thể ký kết hợp đồng thương mại dẫn đến việc nhiều mốc tiến độ quan trọng của chuỗi bị chậm so với kế hoạch ban đầu. Tháng 6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định để Petrovietnam chính thức là chủ đầu tư tiếp tục triển khai hai dự án này thay cho Tập đoàn Điện lực EVN. Với việc này, Petrovietnam tham gia đầu tư vào toàn Chuỗi dự án từ thượng nguồn tới hạ nguồn. Các chủ đầu tư chính của dự án bao gồm: PVN (thượng nguồn và các nhà máy điện Ô Môn 3 và 4 vừa được chuyển giao từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam); Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí, tập đoàn năng lượng Thái Lan PTTEP, tập đoàn năng lượng Nhật Bản Mitsui Oil Exploration MOECO (thượng nguồn); Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS, mã cổ phiếu GAS) (trung nguồn); tập đoàn Nhật Bản Marubeni (Nhà máy điện Ô Môn 2); và Tổng công ty Phát điện 2 (GENCO 2) (Nhà máy điện Ô Môn 1). Đáng chú ý, gói thầu EPCI#1 trị giá gần 1,1 tỷ USD với các điều khoản giới hạn với hợp đồng Thiết kế, xây dựng, lắp đặt cụm giàn công nghệ trung tâm và giàn nhà ở đã được trao cho liên doanh xây dựng McDermott (Mỹ) - Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã cổ phiếu PVS). Liên danh này được phép thực hiện một số công việc chuẩn bị sớm cho hợp đồng EPC mặc dù chưa có quyết định đầu tư cuối cùng (FID) đối với cả dự án Lô B - Ô Môn. Giá trị phần việc được thực hiện sẽ tương đối nhỏ cho đến khi cả dự án nhận được FID. Động thái này nhằm mục tiêu đẩy nhanh tiến độ của gói thầu trong trường hợp nhà đầu tư đạt FID muộn hơn dự kiến. Trong trường hợp không đạt được FID, chi phí cho công việc ban đầu này sẽ do các nhà đầu tư chịu. MCDermott: Doanh nghiệp trăm tuổi trong ngành giải pháp kỹ thuật năng lượng, 2 lần nộp đơn xin bảo hộ phá sản McDermott là doanh nghiệp có tuổi đời lên tới con số 100, chuyên cung cấp các giải pháp kỹ thuật và xây dựng hàng đầu trong ngành năng lượng. Có trụ sở đặt tại Houston, Hoa Kỳ, công ty đã nhanh chóng vươn mình ra ngoài thế giới khi hoạt động tại 54 quốc gia với hơn 30.000 nhân viên cùng một đội tàu xây dựng hàng hải chuyên dụng và các cơ sở chế tạo. Doanh nghiệp hoạt động chủ yếu tại 3 khu vực lớn là Bắc, Trung và Nam Mỹ, châu Âu, Trung Đông và châu Phi và châu Á – Thái Bình Dương. McDermott hợp nhất với Chicago Bridge & Iron Company (CB&I) vào năm 2018 trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp và tiếp tục hoạt động cho tới ngày nay trong nhiều lĩnh vực liên quan tới năng lượng. Một số con số liên quan tới McDermott trong năm 2022 (Ảnh: McDermott Sustainable Report) Cụ thể, McDermott tập trung vào các hoạt động phát triển mỏ dầu ngoài khơi (bao gồm hệ thống sản xuất dầu và khí đốt ngoài khơi, tàu sản xuất nổi, kho chứa…), vận hành cơ sở khí tự nhiên hoá lỏng LNG (từ phát triển ý tưởng, thiết kế, chế tạo, xây dựng, vận hành ban đầu các nhà máy…), lọc và hoá dầu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cấp phép các công nghệ hóa dầu, lọc, khí hóa và xử lý khí độc quyền thông qua công ty con Lummus Technology khi sở hữu 130 công nghệ cùng gần 3.500 bằng sáng chế. Thêm vào đó, McDermott cũng hỗ trợ các giải pháp bền vững hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh thông qua những công nghệ số nổi bật. Cuối cùng, với CB&I – công ty nằm trong doanh nghiệp hợp nhất với hơn 59.000 công trình được hoàn thiện trong hơn 130 năm tuổi đời, McDermott cung cấp dịch vụ thiết kế và xây dựng cơ sở lưu trữ, bể chứa và thiết bị đầu cuối cho mảng năng lượng. Mô phỏng các mảng kinh doanh của McDermott (Ảnh: McDermott) Mặc dù là một doanh nghiệp tương đối lâu đời và đạt được nhiều thành công, song McDermott đã 2 lần nộp đơn xin bảo hộ phá sản lên Toà án. Năm 2020, họ lần đầu nộp đơn phá sản theo Chương 11 sau khi gặp nhiều khó khăn trong thương vụ sáp nhập với CB&I, đồng thời huỷ niêm yết trên thị trường chứng khoán do hàng tỷ USD thua lỗ từ các dự án về LNG tại Mỹ. Bảo hộ phá sản được quy định tại Chương 11 Luật Phá sản Hoa Kỳ. Việc một doanh nghiệp nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 đồng nghĩa với việc tạo cơ hội cho doanh nghiệp phục hồi lại hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm giải quyết các vấn đề tài chính, doanh nghiệp nộp đơn xin bảo hộ phá sản tiếp tục hoạt động dưới sự giám sát của Tòa án. Nếu việc phục hồi của doanh nghiệp thành công, doanh nghiệp sẽ thoát khỏi nguy cơ bị phá sản, trả được các khoản nợ cho chủ nợ của mình và tiếp tục các hoạt động kinh doanh. Cụ thể, theo Reuters, McDermott xin tái cơ cấu thông qua nguồn tài trợ từ nợ (DIP) trị giá 2,81 tỷ USD. McDermott cũng đã ký một thỏa thuận bán bộ phận Công nghệ Lummus của mình với giá 2,73 tỷ USD. Các gói tài trợ DIP cho phép các công ty phá sản tiếp tục kinh doanh và cấp vốn cho các hoạt động khi vụ việc phá sản được tiến hành. Tổng số nợ của McDermott có trụ sở tại Texas là 9,86 tỷ USD tính đến ngày 4 tháng 11 năm 2019. Giám đốc điều hành của McDermott David Dickson cho biết: “Kết quả của giao dịch là chúng tôi sẽ loại bỏ khoản nợ hơn 4,6 tỷ USD khỏi bảng cân đối kế toán của mình và chúng tôi sẽ có được tính thanh khoản mạnh mẽ cũng như nguồn tài chính đáng kể để thực hiện các dự án tồn đọng của khách hàng”. Lần cuối cùng công ty công bố báo cáo tài chính là vào quý 3 năm 2019, với doanh thu 2,1 tỷ USD cùng khoản lỗ lên tới 1,9 tỷ USD. Tuy nhiên, sau khi tái cơ cấu công ty mẹ cùng 247 công ty liên kết, McDermott thoát khỏi tình trạng phá sản vào tháng 6 cùng năm. Tới tháng 10 năm nay, công ty tiếp tục nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 15 tại toà án Nam Texas, Hoa Kỳ. Chương 15 của Luật Phá sản Mỹ bảo vệ các công ty ngoài Mỹ đang trải qua quá trình tái cơ cấu nợ khỏi việc chủ nợ tìm cách kiện hoặc giữ tài sản của doanh nghiệp đó ở Mỹ. Việc bảo hộ phá sản sẽ giúp doanh nghiệp có thời gian và sự bảo vệ cần thiết để hoàn tất quá trình tái cơ cấu nợ. Tại Việt Nam, McDermott đã từng tham gia ký kết thoả thuận phát triển dự án điện khí sử dụng LNG tại Bạc Liêu từ năm 2020 với Bechtel và General Electric nhằm cung cấp các thiết bị và dịch vụ kỹ thuật trong gói thầu trị giá hơn 3 tỷ USD.
03/11/2023
Xem thêm
Báo Hàn: Tin đồn rút tiền sớm là vô căn cứ, SK bàn về quan hệ hợp tác lâu dài với Việt Nam
MSN: Giá hiện tại Thay đổi Xem hồ sơ doanh nghiệp Tờ mt.co.kr (Hàn Quốc) đăng tải bài viết cho biết, Tập đoàn SK được xác nhận đang thảo luận về hợp tác kinh doanh lâu dài với Chính phủ Việt Nam và các công ty lớn trong nước. Trái ngược với tin đồn ở một số bộ phận trong ngành đầu tư rằng SK đang xem xét kế hoạch rút khỏi Việt Nam, hãng này vẫn đang lên kế hoạch lựa chọn Việt Nam làm căn cứ kinh doanh ở Đông Nam Á. Theo giới kinh doanh, các giám đốc điều hành của SK gần đây đã gặp gỡ các giám đốc điều hành hàng đầu của các đối tác đầu tư địa phương tại Việt Nam để thảo luận về quan hệ đối tác mới. Một quan chức cấp cao của SK cho biết: "Có thể có một số điều chỉnh danh mục đầu tư khi ngành công nghiệp Việt Nam phát triển, nhưng chúng tôi có kế hoạch củng cố hơn nữa mối quan hệ hợp tác trong tương lai. Ví dụ, Tập đoàn Masan là đối tác chiến lược quan trọng và chúng tôi sẽ tiếp tục tìm cách hợp tác từ một tầm nhìn dài hạn. Chúng tôi dự định tìm hiểu về họ" - Lãnh đạo này nói. Kể từ năm 2018, SK đã thiết lập quan hệ đối tác với các công ty hàng đầu Việt Nam như Vin Group và Masan Group và đầu tư khoảng 2,5 tỷ đô la (khoảng 3,37 nghìn tỷ won) vào nhiều lĩnh vực như phân phối, hàng tiêu dùng, phát triển bất động sản và chăm sóc sức khỏe. các ngành công nghiệp cốt lõi. Đặc biệt, SK đã đầu tư 1,2 tỷ USD (khoảng 1,6 nghìn tỷ KRW) vào các mảng kinh doanh lớn của Masan Group, bao gồm cả công ty mẹ của tập đoàn như hàng tiêu dùng hàng ngày (FMCG) và phân phối. Đây là khoản đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Sau đó, thị trường Việt Nam cũng gặp khó khăn do suy thoái kinh tế toàn cầu, đồng thời giá cổ phiếu của các công ty chủ chốt có biến động tạm thời, một số người trong ngành đầu tư thậm chí còn đồn đoán SK có thể sẽ rút khỏi Việt Nam. Cũng có suy đoán rằng SK sẽ rút các khoản đầu tư hiện có ở nước ngoài để đảm bảo đầu tư vào lĩnh vực pin, sinh học và chất bán dẫn (BBC). Tuy nhiên, việc SK sẵn sàng hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam đã được tái khẳng định khi gần đây hãng này đã bắt đầu thảo luận về quan hệ hợp tác với các nhà đầu tư trong nước. Chủ tịch SK Chey Tae-won cũng đang nỗ lực đầu tư vào Việt Nam. Chủ tịch Choi đã dành thời gian trong các hoạt động hỗ trợ của mình để tổ chức Hội chợ triển lãm và thăm Việt Nam vào ngày 27 và 28. Được biết, trong chuyến thăm này, họ đã gặp Thủ tướng Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thảo luận về các dự án hợp tác lâu dài như kỹ thuật số và ESG bên cạnh các giải pháp xanh. Chủ tịch Choi được cho là đã nhấn mạnh nhiều lần tại cuộc gặp này: "Việt Nam sẽ tiếp tục là đối tác chiến lược như đã từng từ rất lâu trước đây". Phân tích kinh doanh cho thấy khoản đầu tư 30 triệu USD (khoảng 40 tỷ won) của SK vào Trung tâm Đổi mới Quốc gia (NIC) để thúc đẩy các công ty khởi nghiệp Việt Nam cũng nằm trong bối cảnh tương tự. Một quan chức cho biết: "Có vẻ như một số người đang suy đoán rằng SK, công ty đã tạo dựng được niềm tin với Chính phủ Việt Nam trong 30 năm, sẽ rút lui khỏi thị trường địa phương. Công ty có thể điều chỉnh danh mục đầu tư hiện tại của mình để đầu tư vào các lĩnh vực mới như kinh doanh xanh, nhưng sẽ không vội vàng thu hồi khoản đầu tư".
31/10/2023
Xem thêm
Gói thầu 35.000 tỷ sân bay Long Thành: Liên danh Hoa Lư khiếu nại vượt cấp gây ảnh hưởng uy tín các bên
Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) vừa có công văn phản hồi Liên danh Hoa Lư nhằm giải quyết kiến nghị về gói thầu 5.10 "Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách" của dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 tại thư kiến nghị số 01/CV-HOALU ngày 1/8 vừa qua. ĐÁNH GIÁ HỒ SƠ ĐÚNG QUY ĐỊNH Sau khi xem xét nội dung thư kiến nghị của nhà thầu, ACV thông tin cụ thể về công tác đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật. Theo đó, ACV khẳng định trên cơ sở hồ sơ dự thầu đã nộp ngày 12/6 vừa qua của các nhà thầu tham dự, bên mời thầu, tổ chuyên gia lựa chọn nhà thầu đã đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật căn cứ các tiêu chí, yêu cầu, tiêu chuẩn đánh giá được quy định trong hồ sơ mời thầu đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Việc làm rõ các nội dung đề xuất về kỹ thuật tuân thủ nguyên tắc không làm thay đổi nội dung cơ bản của hồ sơ dự thầu đã nộp, đảm bảo cạnh tranh, công bằng giữa các nhà thầu tham dự. Các nội dung về đề xuất kỹ thuật của nhà thầu bao gồm các thuyết minh, tài liệu kỹ thuật, bản vẽ kèm theo đã hội đủ thông tin làm cơ sở để bên mời thầu, tổ chuyên gia đánh giá theo tiêu chuẩn đánh giá được quy định trong hồ sơ mời thầu đã được phê duyệt và phát hành trên hệ thống mạng đầu thầu quốc gia. Danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật đã được chủ đầu tư phê duyệt căn cứ kết quả đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật đã được thẩm định. Bên mời thầu cũng đã thông báo danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật đến tất cả nhà thầu tham dự tại Thông báo số 3146/TB-TCTCHKVN-LT ngày 1/8 theo đúng quy định tại khoản 5, Điều 28 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 quy định chi tiết thi hành mốt số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu. Theo quy định tại Luật Đấu thầu, đối với nhà thầu không trúng thầu, trong thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu phải nêu rõ lý do nhà thầu không trúng thầu. "Chủ đầu tư sẽ thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu khi có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Trong đó, nêu rõ nhà thầu trúng thầu (nếu có) và lý do các nhà thầu không trúng thầu đến tất cả các nhà thầu tham dự", ACV nêu rõ. ACV ĐỀ NGHỊ LIÊN DANH HOA LƯ TUÂN THỦ NGHIÊM QUY ĐỊNH LUẬT ĐẤU THẦU Về quy trình giải quyết kiến nghị, ACV cho rằng căn cứ Luật Đấu thầu và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, các văn bản kiến nghị của nhà thầu cần được gửi đến chủ đầu tư, bên mời thầu và được ký bởi đại diện hợp pháp của nhà thầu. “Trường hợp không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị của chủ đầu tư và bên mời thầu, Liên danh Hoa Lư có quyền gửi văn bản kiến nghị đến người có thẩm quyền trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày hết hạn trả lời hoặc ngày nhận được văn bản giải quyết kiến nghị của chủ đầu tư, bên mời thầu”, lãnh đạo ACV nhấn mạnh. "Do đang trong giai đoạn xét thầu, các thông tin liên quan được bảo mật theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Do đó, thư kiến nghị của Liên danh Hoa Lưu gửi đến nhiều cấp lãnh đạo, quản lý, cơ quan và chủ đầu tư là chưa phù hợp với quy trình giải quyết kiến nghị", ACV khẳng định. “Việc này có thể ảnh hưởng đến uy tín của nhà thầu, chủ đầu tư, bên mời thầu. Vì vậy, chủ đầu tư đề nghị Liên danh Hoa Lư tuân thủ nghiêm quy định của Luật Đấu thầu”, lãnh đạo ACV nhấn mạnh. Trước đó, chỉ duy nhất liên danh Vieturdo nhà thầu Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu là đơn vị duy nhất đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật để bước vào vòng mở hồ sơ tài chính đối với gói thầu 35.000 tỷ đồng sân bay Long Thành. Như vậy, Liên danh Vietur "đánh bật" các đối thủ là Liên danh CHEC-BCEG-Vietnam Contractors do Tập đoàn China Harbour Engineering (Trung Quốc) đứng đầu và Liên danh Hoa Lư để vượt qua vòng kỹ thuật đối với gói thầu này. Không đồng tình với quyết định này, Liên danh Hoa Lư cho rằng việc lựa chọn duy nhất 1 Liên danh Vietur vào vòng xét mở hồ sơ tài chính có khả năng đồng nghĩa với việc đơn vị trúng thầu đã được xác định từ vòng xét tuyển hồ sơ đề xuất kỹ thuật, dẫn đến nguy cơ rất cao không đảm bảo tính cạnh tranh công bằng về giá. Đồng thời,IC Holdings đứng đầu Liên danh Vietur cũng không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật để trúng thầu và việc để IC Holdings trúng thầu có thể ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ Việt Nam và chất lượng công trình. Sau đó, Liên danh Hoa Lư doCotecconsđứng đầu kiến nghị cơ quan chức năng chỉ đạo bên mời thầu dừng mở hồ sơ tài chính gói thầu 5.10, đề nghị thẩm tra lại năng lực của các liên danh nhà thầu, hoặc mời đơn vị độc lập thứ ba, tư vấn quốc tế đánh giá lại hồ sơ kỹ thuật dự thầu các bên. Ngay sau khi Hoa Lư có văn bản kiến nghị khẩn, Phó Thủ tướngTrần Hồng Hà giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, giải quyết đơn kiến nghị nêu trên theo theo quy định pháp luật.
10/08/2023
Xem thêm

LIÊN HỆ ĐA KÊNH VỚI SSI

Bạn có thể liên hệ đến SSI theo nhiều cách khác nhau

Bạn cần hỗ trợ thêm? Hãy để SSI đồng hành cùng bạn!

Tôi muốn

Follow SSI

top
1900545471