Xây dựng kế hoạch đầu tư cổ phiếu

Xây dựng kế hoạch đầu tư cổ phiếu

“Con người chẳng bao giờ lên kế hoạch để thất bại; chỉ đơn giản là họ đã thất bại trong việc lên kế hoạch để thành công.”

- William Arthur Ward

Xây dựng kế hoạch đầu tư cũng giống như xây dựng kế hoạch cho cuộc đời. Cách thức bạn lên kế hoạch và thực hiện nó ngay từ ban đầu sẽ dẫn bạn đến những kết quả đầu tư khác nhau trong tương lai. Nhiều nhà đầu tư mới thường bỏ qua bước này nên dễ dẫn đến mất phương hướng, thua lỗ và bỏ cuộc giữa chừng.

Xây dựng một kế hoạch đầu tư cổ phiếu sẽ giúp bạn biết mình cần làm những gì, phản ứng như thế nào khi thị trường biến động và thiết lập ra các mục tiêu đầu tư trong thị trường tài chính.

Dưới đây sẽ gợi ý cho bạn 6 bước để bắt tay vào xây dựng một kế hoạch đầu tư cổ phiếu hiệu quả.

1. Xác định tình hình tài chính

Trước khi đầu tư, bạn cần nắm rõ liệu nguồn thu nhập hiện tại của mình có sẵn sàng cho việc đầu tư chứng khoán hay không. Bạn có thể xác định khoản tiền đầu tư dự kiến của mình bằng cách:

Khoản tiền đầu tư    =   (Các khoản tiết kiệm + Thu nhập sẵn có)

                                               – (Chi tiêu hàng tháng + Trích lập dự phòng đủ cho chi tiêu 3-6 tháng)

Sau khi xác định được khoản tiền có thể sử dụng cho việc đầu tư cổ phiếu, bạn cần xác định tỷ lệ giữa khoản tiền đầu tư dài hạn và đầu tư ngắn hạn, tỷ trọng phân bổ số vốn đầu tư như thế nào? (ví dụ trong tổng số vốn đầu tư thì bạn sẽ bỏ ra khoản tiền là bao nhiêu, bạn sẽ đi vay bao nhiêu, và khi cần bổ sung nguồn vốn thì bạn sẽ lấy nó từ đâu?).

Việc xác định số tiền đầu tư ban đầu rất quan trọng bởi vì nếu có rủi ro phát sinh trong quá trình đầu tư, tâm lý của bạn sẽ phản ứng dựa theo số tiền bạn bị thua lỗ.

2. Thiết lập mục tiêu đầu tư

Trước khi quyết định bỏ tiền ra để mua 1 cổ phiếu đầu tiên, điều quan trọng là phải xác định và xác định đúng mục tiêu đầu tư của bạn. Điều này sẽ giúp bạn xác định loại đầu tư nào là phù hợp để đạt được mục tiêu tài chính của mình.

Tương tự như các lĩnh vực đầu tư khác, trong đầu tư chứng khoán cũng tồn tại mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa lợi nhuận và rủi ro – Lợi nhuận kỳ vọng càng cao thì mức độ rủi ro tiềm ẩn càng lớn. Do vậy, bạn nên thiết lập mục tiêu lợi nhuận khả thitỷ lệ rủi ro mà bạn có thể chấp nhận. Thông thường, nhiều người sẽ không giao dịch trừ khi lợi nhuận tiềm năng ít nhất gấp ba lần mức độ rủi ro (ví dụ: nếu lợi nhuận mục tiêu của bạn nên là 15.000/cổ phiếu, thì điểm cắt lỗ của bạn là khi giá cổ phiếu giảm 5.000/cổ phiếu).

Bên cạnh đó, mục tiêu lợi nhuận cũng cần được thiết lập theo tuần, tháng, năm bằng giá trị thực hoặc theo tỷ lệ phần trăm của danh mục đầu tư, kèm theo đó là mức rủi ro có thể chấp nhận (thường 5-7% giá trị danh mục); và thường xuyên đánh giá lại chúng sau một khoảng thời gian đầu tư.

3. Lựa chọn chiến lược đầu tư và lên danh sách cổ phiếu theo dõi.

Sau khi thiết lập được mục tiêu đầu tư thì bạn nên tạo cho mình một danh sách các mã cổ phiếu mà bạn muốn đầu tư và dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu tất cả các thông tin liên quan đến các công ty này (ví dụ: lịch sử và đặc điểm của công ty, tình hình tài chính, các chi tiết của đợt phát hành và tổ chức bảo lãnh phát hành). Bạn có thể tìm các thông tin này trong Bản cáo bạch, thông cáo phát hành, trong Báo cáo tài chính của công ty hoặc từ các công ty dịch vụ tư vấn đầu tư.

Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng các Phương pháp đầu tư như CANSLIM, Philips Fisher, SEPA, v.v để chọn lọc được các mã cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tốt.

Và điều quan trọng là tất cả các quyết định đầu tư chỉ nên đưa ra khi bạn đã có đủ cơ sở thông tin về khoản đầu tư của mình.

4. Tìm điểm mua cổ phiếu

Không phải cổ phiếu của một doanh nghiệp tốt lúc nào cũng đem lại gia tăng về giá trị. Sự thay đổi của cổ phiếu có tính chu kỳ theo diễn biến kinh tế, ngành nghề. Các yếu tố như chính sách của cơ quan quản lý Nhà nước, tình hình chính trị, lạm phát ảnh hưởng lớn tới thị trường, tác động đến cung cầu trên thị trường chứng khoán.

Do đó, để có thể tìm được điểm mua thích hợp nhà đầu tư phải nắm bắt được phương pháp phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật trong đầu tư chứng khoán.

Có hai loại thời điểm:

  • Thời điểm chung của thị trường: Các yếu tố như chu kỳ kinh tế, lãi suất lạm phát, hậu Covid,v.v... có thể được sử dụng để xác định thời điểm chung của thị trường.

  • Thời điểm của từng loại cổ phiếu cụ thể: Các yếu tố như tin tức chia cổ tức, tăng vốn, báo cáo kết quả kinh doanh,v.v hoặc dùng phân tích kỹ thuật để xác định điểm mua.

5. Tìm điểm bán cổ phiếu

Khi đầu tư, mục đích cơ bản nhất là thu được lợi nhuận. Mua cổ phiếu mới chỉ là một nửa của quãng đường đầu tư, việc khi nào bán ra hay xác định “cách bán” cổ phiếu chính là nữa quãng đường còn lại và nó đóng vai trò quan trọng không kém.

Thời điểm bán cổ phiếu thường phụ thuộc vào mục tiêu lợi nhuận, mức lỗ chấp nhận, hoặc mục tiêu cổ tức của mỗi nhà đầu tư. Vì thế, trong đầu tư, một yếu tố quan trọng là tính kỷ luật.

Sau đây là một số nguyên tắc mà bạn có thể tham khảo và thực hiện:

- Bán khi đạt được mục tiêu lợi nhuận;

- Bán khi cổ phiếu giảm quá mức lỗ chấp nhận;

- Bán khi cổ phiểu không còn thỏa các tiêu chí theo phương pháp giao dịch mà bạn chọn hoặc triển vọng tăng trưởng trong tương lai không còn hấp dẫn nữa.

Sau khi bán, dù cổ phiếu có tiếp tục tăng thì cũng đừng lấy làm tiếc. Hãy đầu tư theo nguyên tắc và kỷ luật!

6. Viết nhật ký giao dịch và ghi nhớ những vụ mua bán thành công

Sau mỗi ngày giao dịch, bạn nên dành chút thời gian để tổng kết lãi/lỗ, ghi lại những diễn biến xảy ra trong phiên, và thêm những bình luận, cảm xúc của mình vào cuốn sổ nhật ký. Đồng thời, ghi nhớ chi tiết các giao dịch thắng/thua mình đã tham gia, tìm nguyên nhân của kết quả đó để rút kinh nghiệm cho những lần sau à Điều này sẽ giúp bạn tăng thêm kinh nghiệm và tâm lý vững vàng trong những lần giao dịch kế tiếp.

Xây dựng được một kế hoạch đầu tư thích hợp thật không dễ dàng, đặc biệt là đối với những nhà đầu tư mới. Do đó, bạn cần biết rõ bản thân mình và thử phân tích theo các vấn đề nêu trên trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Và khi đã quyết định đầu tư, bạn cũng nên có sự điều chỉnh mục tiêu, chiến lược một cách linh động để phù hợp với những biến động của thị trường và gia tăng lợi nhuận.

Bài viết liên quan

Nhà đầu tư cần CHUẨN BỊ gì để tự tin bước vào thị trường chứng khoán?

Nhà đầu tư cần CHUẨN BỊ gì để tự tin bước vào thị trường chứng khoán?

Khi đến với thị trường chứng khoán, nhà đầu tư cần chuẩn bị đầy đủ 05 yếu tố sau để có thể thành công trong thị trường này.
18035 Lượt xem Đọc thêm
Các hình thức đầu tư tài chính

Các hình thức đầu tư tài chính

Nhà đầu tư khi gia nhập thị trường tài chính sẽ tiếp cận với rất nhiều những hình thức đầu tư tài chính khác nhau. 05 hình thức đầu tư tài chính phổ biến sau sẽ giúp nhà đầu tư hiểu hơn các hình thức và đa dạng hóa danh mục, hướng đến tối ưu hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro.
50899 Lượt xem Đọc thêm
Xác định tâm thế đầu tư

Xác định tâm thế đầu tư

Xây dựng tâm thế vững chắc và kiến thức đầu tư bài bản luôn là điều mà bất cứ một nhà đầu tư chuyên nghiệp nào muốn thanh công đều phải chuẩn bị kỹ càng. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần lưu ý những sai lầm trong đầu tư và lựa chọn một phong cách đầu tư phù hợp với bản thân.
6553 Lượt xem Đọc thêm
Mức độ chấp nhận rủi ro của Bạn?

Mức độ chấp nhận rủi ro của Bạn?

Chứng  khoán là một kênh đầu tư mang lại tỷ suất sinh lợi cao, và dĩ nhiên đi kèm theo đó cũng là rủi ro cao.  Vì thế, trước khi tham gia thị trường tài chính, nhà đầu tư  (NĐT) cần phải xác định được mức độ chấp nhận rủi ro của mình.
6167 Lượt xem Đọc thêm
Những sai lầm cần tránh trong đầu tư chứng khoán

Những sai lầm cần tránh trong đầu tư chứng khoán

Chúng ta thường có xu hướng nhắc về thành công mà quên mất rằng những thành công đó thường được hình thành sau vô số lần thất bại. Vì vậy, bên cạnh học hỏi thành công của người đi trước thì việc rút kinh nghiệm từ những thất bại cũng là điều vô cùng quan trọng.
38483 Lượt xem Đọc thêm

LIÊN HỆ ĐA KÊNH VỚI SSI

Bạn có thể liên hệ đến SSI theo nhiều cách khác nhau

Bạn cần hỗ trợ thêm? Hãy để SSI đồng hành cùng bạn!

Tôi muốn

Follow SSI

top
1900545471